Giải nghĩa thành ngữ dân gian (sưu tầm)

Thảo luận trong 'Góc lưu niệm - Giải trí' bắt đầu bởi Tôi yêu sandinh, 7/11/12.

  1. Ấm Áp Mùa Đông 2024: Chung tay vì Cộng đồng!

    Từ ngày 01/11/2024 đến 31/03/2025. Mục tiêu: 0

    Đã có 0 người ủng hộ. Số tiền nhận được là 0

    0
    Bỏ qua thông báo này (sẽ không bao giờ được hiển thị nữa, dù bạn đăng xuất/ đăng nhập lại)
  2. Bỏ qua thông báo này (sẽ không bao giờ được hiển thị nữa, dù bạn đăng xuất/ đăng nhập lại)
Bỏ qua thông báo này (sẽ không bao giờ được hiển thị nữa, dù bạn đăng xuất/ đăng nhập lại)
Danh sách Ủng Hộ AAMD 2024:
Tổng số tiền:
  1. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Rách như tổ đỉa


    Trong lời ăn tiếng nói của nhân dân ta, thành ngữ rách như tổ đỉa thường được dùng để chỉ sự rách nát, nham nhở của các thứ đồ dùng bằng vải, bằng lá, nhất là đối với quần áo.

    Thành ngữ rách như tổ đỉa còn có biến thể khác là xác như tổ đỉa. Ý nghĩa và cách dùng dạng thức này không có gì khác biệt.

    Theo quan niệm của dân gian, giàu nghèo đều thể hiện ở cơm ăn áo mặc hàng ngày. Vậy mà quần áo đã rách như tổ đỉa ấy, thì làm sao được coi là một kẻ giàu sang phú quý. Thành ra, ý nghĩa thành ngữ rách như tổ đỉa cũng được mở rộng ra và được khái quát hơn để chỉ sự nghèo đói, khổ cực đến cùng kiệt của con người.

    Về ý nghĩa, cách hiểu thành ngữ rách như tổ đỉa như vậy là thoả đáng. Song, ở thành ngữ này, tổ đỉa là gì lại cần bàn kĩ cho sáng rõ. Tổ đỉa là cái tổ của con đỉa ở dưới nước với vẻ tớp túa, lỗ chỗ, xác xơ chăng? Giả thiết này không hợp lý, bởi vì “tổ” con đỉa dưới nước thì mấy ai thấy được, quan sát được để làm đối chứng so sánh với các con vật quen thuộc như áo quần, tơi nón,... Hơn nữa, trong tiếng Việt, tổ thường được dùng để chỉ nơi che chắn kín đáo để ở, đẻ và nuôi con của một số loài vật như chim, chuồn, ong, chứ ít nói đến tổ con đỉa. Vậy, hiểu tổ đỉa như trên là không chính xác. Thực ra, tổ đỉa là tên của một loài cây thường mọc ở bờ nước. Lá của tổ đỉa trông có vẻ xơ xác, dễ gây liên tưởng tới sự rách nát lỗ chỗ, tớp túa của một số đồ vật như quần áo, vải vóc... Và, dần dần tổ đỉa cũng góp phần biểu hiện nghĩa khái quát, hàm chỉ sự nghèo đói. Có lẽ nhờ nghĩa này mà trong tiếng Việt, tổ đỉa có thể đi vào thành ngữ nợ như tổ đỉa nữa.

    Gần nghĩa với rách như tổ đỉa, trong tiếng Việt còn có rách như tàu lá khô[/irách như xơ mướp. Sắc thái ý nghĩa của các thành ngữ này không có sức gợi những ấn tượng mạnh như thành ngữ rách như tổ đỉa, xác như tổ đỉa. Ngoài ra, thành ngữrách như tổ đỉa, xác như tổ đỉa còn gần nghĩa với xác mồng tơi. Tuy nhiên, thành ngữ xác mồng tơi chỉ thiên về biểu thị ý nghĩa khái quát, tức là hàm chỉ sự nghèo đói, cơ cực chứ không hàm chỉ trạng thái rách nát của vật cụ thể như ở thành ngữ rách như tổ đỉa, xác như tổ đỉa.
     
  2. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa

    Khi biết trước một sự bất lợi nào đó, con người tìm cách tránh nó, song họ lại gặp phải một sự bất lợi khác mà đôi khi nó còn lớn hơn so với bất lợi lúc đầu. Ý của câu tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa là như thế.

    Điều cần làm sáng tỏ thêm ở đây là tại sao để nói về những điều bất lợi, không may mắn, dân gian lại viện đến vỏ dưa và vỏ dừa? Như ai nấy đều biết khi ăn dưa hấu, người ta thường bổ dọc quả dưa thành từng miếng. Miếng dưa hấu sau khi ăn hết còn vỏ dày vất lại. Miếng vỏ dưa có hình dạng cong, võng lên ở hai đầu, trông tựa như mảnh vỏ ngoài quả dừa. Vỏ dưa nhiều nước, cứng, trơn. Vô ý dẫm lên vỏ dưa rất dễ bị ngã. Và, nhiều người đã bị ngã vì đạp phải vỏ dưa. Thế cho nên, người đời hễ gặp vỏ dưa là tránh, khỏi dẫm lên mà ngã. Oái oăm thay, vỏ dưa và vỏ dừa lại hao hao giống nhau. Cái tâm lý “Kính cung chi điểu” (tức con chim phải tên thấy làn cây cong cũng hoảng sợ) đã cho người đời một lời khuyên choại vỏ dưa thấy vỏ dừa phải tránh. Nghĩa là đã bị trượt ngã vì dẫm phải vỏ dưa, khi gặp vỏ dừa cũng phải tránh ra, vì vỏ dừa và vỏ dừa cũng na ná như nhau mà thôi. Thế nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng có sự công bằng trong ban phát và trừng phạt. Có những lúc, con người liên tiếp gặp phải những điều không may này đến những điều không may khác. Hoặc, cũng có những khi ta muốn tránh điều bất lợi này mà chọn làm một việc nọ, nhưng khi làm việc nọ lại vấp phải một điều bất lợi khác. Cho nên, đã đành là khi đạp vỏ dưa rồi thì gặp vỏ dừa phải tránh đi, nhưng không phải lúc nào cũng làm được điều đó. Trong khi nhiều trường hợp, tránh vỏ dưa lại đạp phải vỏ dừa. Nghĩa là không thoát khỏi được, dù có ý thức chống đỡ, mà cứ gặp hết điều bất lợi này đến điều bất lợi khác. Rất có khả năng là, thành ngữ tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa hình thành trên cơ sở cấu từ lại ý của câu choại vỏ dưa thấy vỏ dừa phải tránh do hiện thực cuộc sống đòi hỏi.
     
  3. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    GIÀU VÌ BẠN, SANG VÌ VỢ


    Trong tiếng Việt, tồn tại cả hai dạng “giàu vì bạn, sang vì vợ”“giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Nhiều người cho rằng đây là hai biến thể của một câu tục ngữ duy nhất. Theo huớng này, hoặc thừa nhận biến thể này là đúng và phủ nhận biến thể kia, hoặc ngược lại. Kì thực thì đây là hai câu tục ngữ riêng biệt, bởi vì hình thức và ý nghĩa của chúng có sự phân biệt rạch ròi.

    Ở câu tục ngữ “giàu vì bạn, sang vì vợ”, ý nghĩa được toát là sự đúc kết một kinh nghiệm lâu đời về cách ứng xử của nguời con trai trước bạn bè và người vợ của mình. Bao giờ cũng vậy, hễ gặp bạn bè, dù nghèo khó thật, chàng vẫn tỏ ra giàu có và hào phóng. Còn đối với vợ, chàng tỏ ra mình là người sang trọng, có tài được nhiều người kính phục. Một số người có cách hiểu khác về câu tục ngữ này. Theo họ, câu tục ngữ này ý nói: nhờ có bạn bè và người vợ tốt mà chàng trai mới trở nên giàu sang. Do vậy, chàng trai cần phải quý trọng bạn bè và vợ con. Sự tồn tại cả hai cách hiểu phổ biến đối với câu tục ngữ này có thể tìm thấy cách giải thích, ở cách hiểu từ . Ở cách hiểu thứ nhất, được hiểu trong nghĩa mục đích; còn ở cách hiểu thứ hai, được hiểu theo nghĩa nguyên nhân.

    Cũng là cách ứng xử với bạn bè và người vợ, nhưng ở câu tục ngữ “giàu đổi bạn, sang đổi vợ” mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Câu tục ngữ này trước hết phê phán những kẻ hay thay lòng đổi dạ. Khi nghèo khó thì anh còn biết chơi với bạn nghèo. Khi giàu có, hắn ta sợ bạn nghèo làm phiền nên bỏ bạn cũ để tìm đến bọn giàu kết bạn mong được lợi lộc, chí ít thì cũng ''có đi có lại'' và được tiếng là sánh vai với các bậc đàn anh giàu có trong thiên hạ. Lại nữa, khi anh ta chưa có địa vị, người vợ của mình là tất cả. Nhưng trớ trêu thay, khi đạt được địa vị cao hơn, hắn ta nghĩ ngay tới một người vợ tương xứng hơn với mình. Sự phụ bạc đối với bạn bè, vợ con của bọn người sống bạc bẽo, hợm đời, trưởng giả này không phải là hiếm. Đây là sự đúc kết kinh nghiệm thực tế qua nhiều thế kỉ và đồng thời cũng là lời kết án đối với lối sống của những hạng người như vậy.

    Rõ ràng là hai câu: “giàu vì bạn, sang vì vợ”''giàu đổi bạn, sang đổi vợ” là hai câu tục ngữ riêng biệt. Mỗi câu biểu thị một ý nghĩ riêng, đúc kết một chân lý riêng và bài học được rút ra qua đó cũng rất riêng.
     
  4. Hoàng Long_hn

    Hoàng Long_hn Thổ địa

    Mỗi quê hương có một ước mơ
    Ước mơ lớn của người Thanh Hóa
    Lá rau Má to bằng lá Sen
    Ước mơ lớn của người Hưng Yên
    Trái Nhãn lồng to bằng quả bưởi..............
    Các bác thấy quê mình có ước mơ gì thì vào đây cùng vui nhé!
     
  5. Củ khoai lang

    Củ khoai lang Tôi yêu Sandinh

    Liên khúc vùng miền:
    ƯỚC MƠ CÁC TỈNH

    Anh nói anh là người Thanh Hoá (dô ta dô hò)
    Ước mơ lớn của người Thanh Hoá (dô ta dô hò)
    Là rau má to bằng lá sen (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Quảng Bình (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người Quảng Bình
    Bánh cu đơ to bằng cái mẹt (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Nghệ An

    Ước mơ lớn của người Nghệ An
    Đào nhiều ao để thả cá gỗ (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Hà Tĩnh (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người Hà Tĩnh (dô ta dô hò)
    Có Đèo Nghếch thay cho Đèo Ngang (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người xứ Huế (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người xứ Huế (dô ta dô hò)
    Nước sông Hương trở thành nước hoa (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Khánh Hoà (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người Khánh Hoà (dô ta dô hò)
    Quả nho kia to bằng quả bóng (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Ninh Thuận (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người Ninh Thuận (dô ta dô hò)
    Con cá Trắm bằng con cá Cơm (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Đắc Lắc (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người Đắc Lắc (dô ta dô hò)
    Giá cà phê càng ngày càng lên (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Đồng Hới (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người Đồng Hới (dô ta dô hò)
    Kẹo cu đơ càng ngày càng giòn (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Sài Gòn (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người Sài Gòn (dô ta dô hò)
    Bọn Năm Cam đem đi xử bắn (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Bắc Giang (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người Bắc Giang (dô ta dô hò)
    Vải Lục Ngạn không còn vị chát (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Vĩnh Phúc

    Ước mơ lớn của người Vĩnh Phúc
    Khi đi tắm không phải xin xà phòng (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Hải Dương (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người Hải Dương (dô ta dô hò)
    Bánh đậu xanh to bằng cục gạch (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Hải Phòng (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người hải Phòng (dô ta dô hò)
    Cầu bê tông thay cho cầu đất (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Hưng Yên (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người Hưng Yên (dô ta dô hò)
    Quả nhãn lồng to bằng quả bưởi (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Bắc Ninh (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người Bắc Ninh (dô ta dô hò)
    Rượu làng Vân làm bằng nước lã (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Thái Bình (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người Thái Bình (dô ta dô hò)
    Cả nước mình đều là nhà máy cháo (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Thái Nguyên (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người Thái Nguyên (dô ta dô hò)
    Lá chè xanh to bằng lá cọ (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)




     
    hl66886, doc_co_cau_bai2thuyvipbn thích điều này.
  6. Củ khoai lang

    Củ khoai lang Tôi yêu Sandinh

    Anh nói anh là người Hà Nam (dô ta dô hò)
    Ước mơ lớn của người Hà Nam (dô ta dô hò)
    Cả Nàng mình không còn Lói ngọng (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Nam Định (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người Nam Định (dô ta dô hò)
    Bánh gai to bằng bãi phân trâu (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Ninh Bình (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người Ninh Bình (dô ta dô hò)
    Nhà thờ đá xây bằng bùn thó (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Quảng Ninh (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người Quảng Ninh (dô ta dô hò)
    Mỏ than đá to bằng ống điếu (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Hà Tây (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người Hà Tây (dô ta dô hò)
    Món thịt cầy xuất ra thế giới (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Tuyên Quang (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người Tuyên Quang (dô ta dô hò)
    Cây đa tân Trào chuyển về quanh lăng Bác (ấy dô ta dô hò, ấy dô ta là dô hò)

    Anh nói anh là người Hà Nội (dô ta dô hò)

    Ước mơ lớn của người Hà Nội (dô ta dô hò)
    ...........................................................................:))
     
    mod09, crom1, hl668862 others thích điều này.
  7. lamtythoi

    lamtythoi Chánh tổng

    Khi Tào Tháo định giết Đổng Trác (Tào Tháo giả dâng thanh đoản kiếm )bị bại lộ.Tào Tháo cùng Trần Cung bỏ trốn ,khi qua nhà Lã bá Sa cả 2 người muốn cùng rủ đi.Trong khi chờ đợi tại nhà Lã bá Sa, đến nửa đêm bỗng nghe thấy có tiếng người bàn nhau:Hay là cứ trói lại rồi giết...Tháo bèn rút gươm vòng ra sau nhà giết một mạch mấy người..Kiểm tra lại kỹ mới thấy có 1 con lợn đang nằm ngay đó Trần Cung bèn trách Tháo ,Tháo nói:Ta đành phụ người chứ không để ngưoìf phụ ta.(Trần Cung sau đó bỏ Tháo đi theo Lã Bố làm mưu sỹ cho Lã Bố).Câu nói của Tháo về sau này vẫn còn gây tranh cãi ...Đọc bài viết của bạn mình từ khi làm kinh tế gần 30 năm không còn thời gian để đọc 1 quyển sách nào nữa ,không biết có nhớ chính xác không nhưng cũng xin góp để làm cho bạn đọc biết về nhân vật mà Nhà văn Nam Cao đã phải phán:Tài,tài thật tiên sư anh Tào Tháo...
     
    Củ khoai lang thích điều này.
  8. lamtythoi

    lamtythoi Chánh tổng

    Nhân tiện viết bài ở đây mình có 1 ý kiến đóng góp cùng Sandinh .Trong các dịch của chắn như :lèo,tôm ,chíu...Nhưng chữ chì(tức là dịch: chì) có lẽ là không đúng.Vì theo mình hiểu chữ trì(mà Sandinh gọi là chì) nghĩa là cái ao (ao của nhà) mà mỗi người choi đều có 1 cái ao (tức là ao của nhà).Thanh trì có nghĩa là ao nước trong ,chữ :chì này có lẽ phải kiểm tra xem ...
     
    crom1 thích điều này.
  9. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Đàn gảy tai trâu


    Câu thành ngữ "đàn gảy tai trâu" ngụ ý rằng đưa điều hay ho tốt đẹp đến với đối tượng không có khả năng thưởng thức và cảm thụ thì cũng chỉ phí công vô ích mà thôi.

    Câu thành ngữ này bắt nguồn từ tiếng Hán: "Đối ngưu đàn cầm". Chuyện rằng xưa có một người tên là Công Minh Nghĩa rất tinh thông nhạc lý và chơi đàn rất hay. Một ngày nọ, ông ta đang dạo chơi thì nhìn thấy một đàn trâu gặm cỏ. Tức cảnh sinh tình, ông đàn khúc "Thanh giác chi tao" - một bản nhạc vô cùng tao nhã. Tiếng đàn của Công Minh Nghĩa rất hay, nhưng lũ trâu vẫn bình thản gặm cỏ khiến ông rất bực. Sau khi quan sát thì ông nhận thấy không phải lũ trâu không nghe được mà vì khả năng cảm thụ âm nhạc của chúng rất kém. Ông bèn đàn một giai điệu quen thuộc thì chúng ngừng gặm cỏ và dỏng tai lên.

    Đến cuối đời Đông Hán, một người thông tuệ tên là Mâu Dung đã kể lại câu chuyện này cho các học trò Nho gia sau khi dùng những triết lý cao siêu để giảng kinh Phật mà họ cứ ngơ ngác. Từ đó "đàn gảy tai trâu" trở thành một câu thành ngữ, được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.
     
  10. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Con so về nhà mạ, con rạ về nhà chồng


    Con so là con sinh đầu lòng, con rạ là những đứa con sinh sau. Nếu nuôi được cả thì con so là trưởng, con rạ là thứ. Thành ngữ này phổ biến ở một số địa phương ngoài Bắc, nói chung con gái không được sinh đẻ ở nhà cha mẹ mình.

    Con gái mới lớn lên, mới sinh lần đầu tiên, trẻ người non dạ, chưa biết đi đứng, ăn uống, tắm giặt, kiêng khem ra sao, hơn nữa trong người yếu khoẻ ra sao muốn nhờ vả mẹ chồng hoặc chị em nhà chồng cũng ngần ngại, khó nói hơn với mẹ đẻ và em út mình. Còn những lần sinh sau đã có kinh nghiệm, có thể tự mình giải quyết được nhiều việc.

    Câu thành ngữ trên xét theo tập quán phong tục thì, "Con so về nhà mạ" là một phong tục hay nhưng muốn giải quyết được êm đẹp cũng phải có thu xếp:

    - Gần ngày ở cữ, mẹ chồng hoặc chàng rể sang quê ngoại thưa chuyện trước, nếu có khó khăn về kinh tế hoặc đường xá xa xôi cách trở cũng cần thảo luận với nhau về trách nhiệm cho thoả đáng, sau khi mẹ tròn con vuông, cháu cứng cáp, chàng rể cũng cần sắm một số lễ vật, nhằm ngày tốt sang tạ ơn gia tiên bên ngoại và ông bà ngoại để xin đón vợ con về. Ông bà ngoại còn cẩn thận đánh dấu vôi hoặc nhọ nồi ở trán cho cháu và các thứ bùa phép khác để các thứ tà ma ác quỷ không dám đến quấy rối cháu dọc đường.

    - ở vùng như Nghệ Tĩnh lại có phong tục ngược lại:

    Cho là sinh dữ tử lành, ngoài người con dâu ra, không ai được quyền sinh trong nhà. Con gái về nhà mạ, nếu nhỡ đến kỳ động thai, trở dạ, không kịp trở về nhà chồng, sợ sinh nở dọc đường thì bố mẹ phải dựng tạm chiếc lều ở góc vườn, hoặc nếu không kịp, thì ra chuồng trâu mà đẻ.

    Do đo thiết nghĩ không cần phân tích, bạn đọc cũng thấy được sự tình thì nào hợp tình hợp lý hơn.

    Trường hợp đã mồ côi mạ, về nhà mạ thiếu người chăm nom thì con so cũng về nhà chồng.
     
  11. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Bãi Bể, Nương Dâu


    Những thay đổi lớn trong cuộc đời, trong xã hội, thường được người Việt ví với "bãi bể nương dâu". Thí dụ:

    Phút giây bãi bể nương dâu
    Cuộc đời là thế biết hầu nài sao.
    (Lê Ngọc Hân - Ai tư vãn)


    Các từ trong thành ngữ "bãi bể nương dâu" xem ra đều quen thuộc và dễ hiểu. Nhưng tại sao sự tổ hợp, giao kết giữa các từ bãi, bể, nương, dâu lại nói lên sự thay đổi lớn của trời đất, của cuộc đời ? Số là, thành ngữ "bãi bể nương dâu bắt nguồn từ thành ngữ gốc Hán "thương hải tang điền" liên quan tới câu chuyện tiên Phật được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.

    Tương truyền rằng, ở thời Đông Hán có ông Phương Bình, học giỏi tài cao, thi đỗ đạt và được bổ nhiệm làm quan. Sau một thời gian thi thố với đời, Phương Bình đã bỏ quan đi tu. Ông đắc đạo và trở thành Phật. Một lần Phật Phương Bình giáng xuống nhà Thái Kinh (người đời Hậu Hán) cho mời tiên nữ Ma Cô đến. Ma Cô bảo với Phương Bình rằng:
    Tiếp thị dĩ lai dĩ kiến
    Đông hải tam vi tang điền
    nghĩa là "Từ khi hầu chuyện với ông, tôi đã thấy bể Đông ba lần biến thành ruộng dâu".
    Câu chuyện này được lưu truyền trong dân gian và được người đời chắt lọc lấy cái tinh chất để phản ánh sự đổi thay của trời đất và cuộc sống. Trong thơ văn Trung Quốc, hình ảnh "bãi bể nương dâu" trở thành tứ cho nhiều câu thơ, bài thơ nổi tiếng, ví như trong thơ Tô Thức đời Tống có câu "Bất kinh bột giải tang điền biến", có nghĩa là: "Không sợ bể Đông biến thành ruộng dâu". Cũng nhờ câu chuyện trên mà dần dà trong tiếng Hán xuất hiện thành ngữ "thương hải tang điền". Thành ngữ này được mượn vào tiếng Việt theo lối mượn ý dịch lời. Về ý nghĩa, "bãi bể nương dâu" thường nói đến sự đổi thay thế sự với bao nỗi nuối tiếc, ngậm ngùi. Thí dụ:
    Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
    Ai bày trò bãi bể nương dâu.
    (Nguyễn Gia Thiều - Cung Oán Ngâm Khúc)
    Trong cách dùng, các nhà văn, nhà thơ thường rút gọn "bãi bể nương dâu" thành "bể dâu" hay "dâu bể". Dạng thức này sở dĩ tồn tại được vì nó vẫn có khả năng khiến cho người đọc liên hội tới các điển tích đã nói đến ở trên:
    Trải qua một cuộc bể dâu
    Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
    (Nguyễn Du - Truyện Kiều)

    Cơ trời dâu bể đa đoan
    Một nhà để chị riêng oan một mình
    (Nguyễn Du - Truyện Kiều)
    Gần nghĩa với "bãi bể nương dâu" trong tiếng Việt còn có các thành ngữ "vật đổi sao dời", "sông cạn đá mòn". Các thành ngữ này đều nói về sự thay đổi lớn lao của cuộc đời, của sự thế, nhưng không có sắc thái ngậm ngùi, nuối tiếc như thành ngữ "bãi bể nương dâu". Về phạm vi xử dụng, các thành ngữ "vật đổi sao dời", "sông cạn đá mòn" thường chỉ nói về sự thay đổi của thiên nhiên, của trời đất trong sự so sánh với cái bất biến của tấm lòng chung thủy. Vì thế, ta thường gặp trong những lời thề ước:
    Dẫu rằng vật đổi sao dời
    Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh
    (Nguyễn Du - Truyện Kiều)

    Dù cho sông cạn đá mòn
    Còn non còn nước vẫn còn thề xưa
     
  12. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Bới Lông Tìm Vết

    Thành ngữ "bới lông tìm vết" xuất phát từ thành ngữ Hán Việt "suy mao cầu tì". Trong tiếng Việt, thành ngữ này được dùng để chỉ hành vi của những người hay bới móc khuyết điểm, thiếu sót của người khác.

    Trước hết, hành động "bới lông tìm vết" được thực hiện khi xem xét các loại chim đẹp. Ngày xưa bên Trung Hoa hay mở các hội thi chim. Chim đẹp ở bộ lông và dáng điệu. Chim quý ở tiếng hót. Những điều này lộ ra ở bên ngoài, rất hiển nhiên, có thể nhận biết dễ dàng và chính xác. Một khi đã bới lông để dò tìm những vết xấu thân thể có thể bị che khuất dưới lớp lông đẹp của chim có nghĩa là về vẻ đẹp của bộ lông, của dáng điệu, của tiếng hót, những tiêu chí khách quan, có tính chất truyền thống, đã được thừa nhận nhưng vì chủ quan không muốn thừa nhận, hoặc muốn đánh sụt giá vẻ đẹp của chim. Đó là một sự cố tìm moi móc không thiện ý nhằm làm giảm giá trị của loài vật này. Với nhận thức đó, người dân gắn việc "bới lông tìm vết" với hành vi cố tìm moi móc khuyết điểm của người khác để hạ thấp uy tín của họ.

    Trong vận dụng ngôn ngữ, thành ngữ "bới lông tìm vết" có thể được sử dụng linh hoạt để nhấn mạnh ý nghĩa biểu đạt của nó.


    Bới lông mựa nỡ tìm nơi vết
    Cũng có khi kinh, cũng có quyền


    (Hồng Đức quốc âm thi tập)


    Gần nghĩa với thành ngữ "bới lông tìm vết" là thành ngữ "vạch lá tìm sâu".
     
  13. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Sống Để Dạ Chết Mang Theo



    Lời giáo huấn biểu hiện qua câu tục ngữ có công mài sắt, có ngày nên kim, một mặt, được nhận thức qua ngôn từ của nó mà mấu chốt là sự đối lập giữa hai hình ảnh sắt và kim; mặt khác, thông qua sự liên hệ tới giai thoại về cuộc đời của nhà thơ nổi tiếng đời Đường ở Trung Quốc – nhà thơ Lý Bạch.
    Đến như sắt mài mãi cũng thành kim, thì bất cứ việc gì cũng có thể làm được, miễn là chúng ta biết chịu khó khổ luyện, biết kiên trì nhẫn nại, không quản gian lao vất vả. Lời giáo huấn biểu hiện qua câu tục ngữ có công mài sắt, có ngày nên kim, một mặt, được nhận thức qua ngôn từ của nó mà mấu chốt là sự đối lập giữa hai hình ảnh sắt và kim; mặt khác, thông qua sự liên hệ tới giai thoại về cuộc đời của nhà thơ nổi tiếng đời Đường ở Trung Quốc nhà thơ Lý Bạch.

    Tương truyền, thuở niên thiếu, Lý Bạch là cậu bé không chịu khó học hành, ham chơi như bao đứa trẻ bình thường khác. Một hôm, cậu bé chán học, lẻn sang chơi ở chân núi phía Đông. Kỳ lạ quá! Trước mắt cậu bé là một bà lão đang cắm cúi mài một thanh sắt bên một tảng đá lớn. “Bà già tóc bạc đến dường kia mà lại chăm chắm mài một thanh sắt để làm gì nhỉ?” Cậu bé hết sức phân vân, bèn rón rén đến bên cạnh cụ già rồi cất tiếng hỏi:
    - Cụ ơi, cụ mài sắt để làm gì vậy?
    Bà lão ngoảnh mặt lên, hiền từ trả lời:
    - Để làm kim khâu cháu ạ.
    - Làm kim khâu ư? Thanh sắt thì làm thế nào mà trở thành cái kim khâu được? Cậu bé chất vấn bà lão.
    - Mài mãi cũng phải được. Kẻ có công mài sắt thì có ngày nên kim chứ - Bà lão trả lời một cách tin tưởng như vậy.
    Lý Bạch nửa tin nửa ngờ hỏi lại:
    - Liệu hôm nay có xong được không hở cụ?
    Bà lão thong thả trả lời hoà nhịp với động tác mài kim:
    - Hôm nay không xong thì mai lại làm tiếp vậy, năm nay không xong thì sang năm tiếp tục làm, ngày lại ngày, già nhất định mài xong.

    Nghe đến đây, Lý Bạch chợt hiểu ra và im lặng. Về nhà Lý Bạch thường ngẫm nghĩ về những lời của bà lão mà càng chuyên tâm học tập. Chẳng bao lâu, Lý Bạch trở thành nhà thơ lỗi lạc với những áng thơ Đường tuyệt mĩ, có một không hai trong nền văn học Trung Quốc. Từ đó, trong dân gian lưu truyền câu tục ngữ “chỉ yếu công phu thâm; thiết chữ ma thành châm” với nghĩa là có công mài sắt, có ngày nên kim. Thoạt đầu, nó như một nhận xét về cuộc đời, văn nghiệp của Lý Bạch: từ chỗ lười học, nhờ sự tỉnh ngộ qua cuộc gặp gỡ với cụ già mà siêng năng, kiên trì học tập và cuối cùng trở thành tài. Nhưng dần dần câu tục ngữ có công mài sắt, có ngày nên kim được lưu truyền rộng rãi, vượt qua phạm vi của một cuộc đời, một sự nghiệp, trở thành một lời dạy, lời giáo huấn mọi người về ý chí bền bỉ trong công việc nói riêng, trong cuộc đời nói chung.


    Sưu tầm
     
  14. lamtythoi

    lamtythoi Chánh tổng

    Sân đình à,thấy trong mục này của SĐ ít người viết bài mình thấy những kỷ niệm khi mới chơi chắn cũng hay nên lúc rảnh thì viết góp vui
    Năm 1976 lúc mới đi bộ đội về sau 4 năm 6 tháng tham gia mây chiến dịch :Quảng trị (1972) .Quảng nam-Đà nẵng 1975 và Chiến dịch HCM .May mà không toi...
    Phố Cầu giấy nhà tôi khi ấy hay chơi sì tố .Bố anh bạn thân của tôi (Cách đây mấy năm con của anh bạn tôi lấy con gái của cậu Sơn Hải thịt chó).thấy cậu bạn tôi chơi sì hay thua và tốn tiền ,Ông cụ bèn gọi cả bọn tôi lại và dạy chơi chắn vẫn tại ngôi nhà nằm trên đường Nguyễn Khang bây giờ.Phía sau lưng của ngôi nhà này(nằm cạnh trường Tiểu học Quan hoa) có 1 khu đất làm Nhà thờ của họ Đặng trần của nhà bạn tôi.Họ Đặng Trần này có Đặng trần Thường khi ra vế đối cho Ngô Thì Nhậm là:
    "Ai Công hầu, ai danh tướng , vòng trần ai ,ai dễ biết ai" Ngay lập tức Ngô thì Nhậm đối lại là:
    "Thế Chiến Quốc,Thế Xuân Thu,vì thời thế ,thế thời phải thế"
    Sau đó Ngô thì Nhậm bị trận đòn roi và chết ngay tại sân Văn miếu bay giờ.
    Bố của bạn tôi và bố tôi hay chơi tổ tôm cùng các ông ở gần nhà.cũng trong thời gian này có một ông tên H.có ù 1 ván :Kính tứ cố(kính 4 ông cụ)một trong những ván ù to nhất và hiếm gặp trong tổ tôm.Ngay sau đó mấy tháng ông H.bị cảm và chết ngay khi ông ấy mới ngoài 40 tuổi.
    Năm 1981 tại Đền Thủ Lệ nhân dịp năm mới có tổ chức chơi Tổ Tôm Điếm do Sở Văn hóa Hà nội tổ chức nhằm phục hồi những trò chơi Cổ truyền (Trong những năm ấy việc tổ chức này được cho là sự kiên.. vì ngày ấy Hà nội còn ăn bo bo ,khổ lắm).Gọi là Tổ tôm điếm là vì có 5 cai bàn liền ghế ,mỗi ghế có thể ngồi được 3 ông ,trên đầu có mái che như kiểu cái lọng .Ở giữa có 1 cái bàn để cho 1 ông chia bài ,quân bài to bằng gần 3 ngón tay ,dài gần 1 gang tay được dán trên những cái thẻ bằng tre vót mỏng .Đứng ở giữa là 1 ông hay 1 bà khi mở 1 quân bài họ xướng lên mà nghe không như ngâm thơ mà cũng không ra lẩy Kiều nghe rất lạ mà hay.Thí dụ:"Bát sách không ăn mở lục văn ,lục văn..."Nghe cũng hay như :"hết làng"của SĐ bây giờ ấy.Mỗi 1 bàn của người chơi có 1 cái trống ,Quân bài khi được mở ra nếu không ăn thì gõ vào cạnh trống :cách.Nếu ăn thì gõ :tung .Ngưoì nào nghe chưa rõ có thể gõ :cách tung,để hỏi lại cho rõ.Còn khi ù thì gõ:tung tung tung hàng tràng nghe rất vui.
    khi đến chơi Hội điều làm tôi sock nhất là khi trên bảng ghi Thể lệ và các Dịch và Cước ù trong Tổ tôm là: Bài ù to nhất Bạch Toàn Hồng,sau đó là Kính Tứ cố,Ù cạ,Chi nẩy ,Thập Điều (10 đỏ),Bạch định,Kính Cụ...
    Khi tôi hỏi các Cụ Tổ chức về ván Ù to nhất Bạch Toàn Hồng là như thế nào thì được trả lời là:Đó là khi người ù cả 20 cây bài đều là quân đỏ ...Trong Tổ tôm khi ù CẠ hay KÍNH TỨ CỐ đã khó gặp trên đời thì ván ù BẠCH TOÀN HỒNG này có giá Tiền thưởng còn gấp 10 lần của ván KÍNH TỨ CỐ thì không rõ se gấp bao nhiêu lần ván ù TÔM bạn nhỉ.
    Giá mà SĐ cũng tổ chức chơi Chắn 5 người thì hay biết bao nhiêu...
     
  15. Redemption

    Redemption Học chơi

    Hay và ý nghĩa nhỉ...thanks !
     
  16. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Lấy vợ kén tông, lấy chồng kén giống ... ?


    Đối với các cụ thì câu hỏi này thừa, vì "Nòi nào giống ấy","Cây nào quả ấy","Giỏ nhà ai quai nhà ấy","Con nhà công chẳng giống lông cũng giống cánh", "Tìm nơi có đức gửi thân", ai chẳng muốn có trai hiền gái đảm, rể thảo dâu hiền. Thời nay, một số bạn trẻ coi thường cho là phong kiến lạc hậu. Có những đôi trai gái mới chỉ gặp nhau trên một đoạn đường, đã vội đính ước, tính chuyện vuông tròn, thậm chí họ đã biết rõ cả "Ngọn nguồn lạch sông"!!!Đành rằng cũng có trường hợp "Một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên duyên", song thành công là cá biệt, thất bại là phổ biến.
    "Tìm tông, tìm họ" không có nghĩa là tìm chốn sang giàu, khinh người nghèo khó, mà chủ yếu là tìm nơi có gia giáo, có đức độ.
    "Cha mẹ hiền lành để đức cho con","Đời cha ăn mặn, đời con khát nước". Con người sinh ra lớn lên do nhiều yếu tố xã hội chi phối, nhưng nam nữ thanh niên mới lớn lên, trường đời chưa từng trải, giáo dục gia đình là yếu tố quan trọng và chủ đạo. Hôn nhân là việc hệ trọng, tác động cả đời, mà con người rất dễ mù quáng trong tình yêu. Qua tuần trăng mật không phải mọi việc trong quan hệ vợ chồng đều suôn sẻ. khi có những việc khó khăn, trục trặc trong cuộc sống, ai cũng muốn tìm điều hay lẽ phải để giải quyết cho thoả đáng. Lúc đó cần dựa vào "Tông", vào họ hàng, tìm những tình cảm chân thành và tri thức đúng đắn.
    "Môn đăng hộ đối", tức là tìm nơi hai gia đình, hai bên thân thuộc, có những mặt cân đối phù hợp với nhau, chứ đâu phải bắc bậc leo thang, kẻ khinh người trọng.
    Ngoài ra còn một yếu tố nữa: Tính đến gien di truyền.
    Ngày xưa trong một vài hoàn cảnh đặc biệt có ông chồng thoả thuận ngầm với vợ đi "Xin nòi". Tuy nhiên xin lưu ý: những người đàn bà đó không thuộc loại lẳng lơ đâu chúng ta ta cũng chỉ cần biết nói nhỏ với nhau thôi và nhấn mạnh "Hoàn cảnh đặc biệt"!
     
  17. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Cái Giá Cắn Đôi


    - Ông cha ta thường lưu tâm đến việc dạy con cái cách ăn, cách uống hằng ngày. Ăn cũng phải học như học nói vậy. Học ăn, học nói, học gói, học mở, ăn cho nên dọi, nói cho nên lời, ăn trông nồi, ngồi trông hướng, tất cả trở thành những lời giáo huấn quý giá đối với mỗi một chúng ta, giúp chúng ta biết sống lịch thiệp, sống thanh nhã. Ăn uống cũng vậy. Cách ăn uống cũng phản ánh tính lịch thiệp nết na, ý tứ của con người. Ăn nhỏ nhẹ theo kiểu "cái giá cắn đôi" là cách ăn uống có ý tứ.

    - Cái giá hay cây giá (người miền Nam gọi là cọng giá) là một loại rau do ủ từ đậu xanh mà ra. Nhỏ nhắn như vậy mà khi ăn còn phải cắn làm đôi ? Rõ là lịch sự, tế nhị biết dường nào ! Người ta truyền rằng, cách ăn uống kiểu "cái giá cắn đôi" ấy thường thấy ở các cô thiếu nữ Hà Nội ngày trước. Đặc biệt là các cô gái Hàng Bạc thì kiểu cách này đạt đến sự tinh tế tuyệt đỉnh của nó. Người Việt Nam đều ngưỡng mộ nét hào hoa, lịch lãm đối với cách thức ăn uống như vậy.

    - Cuộc sống đổi thay rồi. Nếp sống đổi thay rồi. Nhịp sống đổi thay rồi. Và, quan niệm về cái đẹp nói chung và cái đẹp trong ăn uống nói riêng cũng đổi thay nhiều rồi. Và, cái lịch lãm, tinh tế của "cái gái cắn đôi" cũng đã chuyển theo một hướng khác rồi. Hiện nay, dân gian lại khai thác một nét nghĩa khác ở thành ngữ "cái giá cắn đôi". Trong sử dụng, thành ngữ này dường như đã mất đi nét nghĩa tích cực - đánh giá sự lịch lãm tế nhị của cách ăn uống, trong khi đó nét nghĩa tiêu cực đánh giá sự cầu kỳ, yểu điệu, kiểu cách trong việc ăn uống lại được lưu giữ và đề lên thành nghĩa chính của câu thành ngữ này. Quả vậy, ăn uống theo kiểu "cái giá cắn đôi" chỉ là cách ăn uống của các cô tiểu thư yểu điệu, làm dáng làm duyên...
     
    GIA BẢO SONG LINH thích điều này.
  18. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào


    Nghĩa đen của thành ngữ này là chưa biết con mèo nào sẽ cắn con mèo nào, và nghĩa bóng đều được hiểu là chưa biết ai sẽ hơn ai, ai sẽ thắng ai đây.

    Điếu đáng chú ý ở thành ngữ này là từ mỉu. Mỉu là biến thể ngữ âm của từ miu. Trong đời sống hàng ngày cũng như trong sách vở, chúng ta chỉ gặp từ miu (hoặc miêu). Vậy trong thành ngữ trên, tại sao không phải là miu như chúng ta vẫn thường biết mà lại là mỉu.

    Một trong những đặc điểm của thành ngữ là tính chất đối của các ý, các vế... Chẳng hạn như thành ngữ lươn ngắn chê chạch dài; ý nghĩa “lươn ngắn” đối với ý nghĩa “chạch dài”; và đặc biệt là sự đối ứng chi tiết giữa các thanh: lươn (thanh bằng) đối với chạch (thanh trắc), ngắn (thanh trắc) đối với dài (thanh bằng).

    Trở lại thành ngữ trên, hai vế mèo nào và mỉu nào đối với nhau (qua từ cắn). Thực chất ở cả hai vế đều là mèo cả. Vì vậy không có sự đối ứng về loài (như giữa lươn và chạch). Nhưng ở hai vế này có sự đối ứng của thanh: mèo (thanh bằng) đối với mỉu (thanh trắc). Chính vỏ ngữ âm của từ mỉu đã gợi cho vế thứ hai mang nét nghĩa nào đó khác với vế thứ nhất, mà nếu là từ miu thì không thể có được. Và như vậy, mèo và mỉu tuy là một song người ta vẫn cảm thấy ở chúng có cái gì đó khác nhau. Mặt khác, sự biến âm “miu” thành “mỉu” tạo cho thành ngữ bao hàm sắc thái hài hước nhẹ nhàng.
     
  19. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Ngựa quen đường cũ


    Chuyện với nghĩa đen thì con ngựa tài tình, giúp chủ tìm lại đường về, đó là do khứu giác. Vận dụng vào cuộc sống, dân gian đã nói chệch đi, lại chỉ ra rằng: Quen cái mùi cũ, cái việc cũ mà không dứt ra được, tật nào vẫn chứng ấy, khó hòng mà cải sửa, cứ lao đầu vào. Vận như thế quả thật tài tình.

    Ngựa có khứu giác tốt, nhớ đường đã đi qua.

    Nghĩa bóng: Chứng nào vẫn tật ấy, không chịu sửa chữa khuyết điểm.

    Còn có câu: Tật nào vẫn theo chứng ấy; Hổ chết chẳng hết vằn.

    Chuyện kể:

    Tương truyền Quản Trọng người nước Tề có nghề nuôi ngựa nuôi voi. Ông hiểu tính nết chúng như thể là nói chuyện được với voi với ngựa. Quản Trọng có một chú ngựa đực, ức nở, lông mượt, dáng phi nước kiệu như gió. Ngày ngày, Quản Trọng thường cưỡi nó đi thuyết giáo thiên hạ. Lần ấy, Quản Trọng tìm đến nhà Thấp Bằng bàn chuyện đánh nước Cô Trúc. Đến nhà Thấp Bằng, Quản Trọng thả ngựa ra vườn cho nó gặm cỏ. Trong khi hai chủ nhân bàn chuyện thì con ngực đực nghe tiếng hí cách đấy không xa của con ngựa cái của Thấp Bằng. Ngựa cái vừa cựa mình vào dóng tàu ngựa, vừa hí. Con ngựa của Quản Trọng cũng hí ra điều chào lại. Con ngựa cái kia gại gại đôi chân sau xuống cỏ để tỏ tình. Thế là chúng làm quen với nhau và trở nên thân thiết.

    Mấy hôm sau, khi trở lại nhà rồi con ngựa của Quản Trọng nhớ bạn, nhân lúc được thả thong dong ngoài vườn, nó mới vượt đường xa, tranh thủ đến thăm bạn ngựa cái của nó. Đường cát trắng phau, không có dấu chân đi, mặc dù con ngựa mới chỉ một lần theo chủ, nhưng nó như đã quen thuộc lắm, cứ phăng phăng một lèo tìm đến nơi.

    Con ngựa cái của Thấp Bằng thấy bạn ngựa đến thì vui mừng, hí lên mấy tiếng, như có ý hỏi: “Làm sao mà anh biết đường”. Ngựa đực lấy chân cào cào xuống cỏ cũng như muốn trả lời rằng: “Ấy là giống ngựa nhà ta một lần là quen đường cũ”. Gặp bạn, quyến luyến nhưng cũng phải trở về với chủ. Khi nó về đến nơi, biết vậy, Quản Trọng không trách nó mà còn khen nó.

    - Quả là mày có tình có nghĩa.

    Quản Trọng cùng Thấp Bằng dựng cờ theo Tề Hoàn Công đi đánh nước Cô Trúc. Trận mạc xông pha, hết Nam lại Bắc. Khi đi là mùa Xuân, khi trở về đã chuyển mùa Đông, tuyết rơi xoá hết đường cũ, khiến Quản Trọng và Thấp Bằng không còn nhớ đường về, lang thang nơi rừng sâu tuyết thẳm.

    Bỗng Quản Trọng nhớ lại lần ấy, con ngựa của mình tìm đường đến con ngựa cái của Thấp Bằng mới cho rằng chỉ có con ngựa mới tìm được đường, bèn nói với nó:

    - Trí nhớ của mày tốt, mày hãy đưa chúng tao về chốn cũ.

    Con ngựa như hiểu ý, nó hí lên vài tiếng. Quản Trọng cho thả ngựa ra, con ngựa ung dung thong thả lên đường. Đoàn quân theo sau con ngựa đi vòng qua các khe sâu, rừng thẳm, tuyết dầy tìm được đường về nước. Đoàn người thoát khỏi cảnh lưu lạc, mới nói với Quản Trọng:

    - Quả thật, nếu không có ngựa của ngài quen đường cũ, thì chúng ta đâu được như hôm nay.

    ---------------------

    Chuyện với nghĩa đen thì con ngựa tài tình, giúp chủ tìm lại đường về, đó là do khứu giác. Vận dụng vào cuộc sống, dân gian đã nói chệch đi, lại chỉ ra rằng: Quen cái mùi cũ, cái việc cũ mà không dứt ra được, tật nào vẫn chứng ấy, khó hòng mà cải sửa, cứ lao đầu vào. Vận như thế quả thật tài tình.


    (Theo “Cổ học tinh hoa” Nguyễn Văn Ngọc – NXB Văn học, 2003)
     
  20. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Tấc đất tấc vàng


    Đất làm ra lúa gạo ngô khoai quý như vàng vậy. Hãy biết tận dụng và trân trọng từng tấc đất...
    Tấc: Đơn vị đo lường – Một tấc tương đương với một centimét.

    Thành ngữ so sánh đất quý như vàng, ý nói đất đai là vốn quý.

    Còn có câu: Một tấc đất, một tấc vàng; Hòn đất hòn vàng.

    Chuyện kể:

    Ngày xưa, ở một làng nọ có một lão nông cả đời gắn bó với ruộng đồng, ông yêu quý mảnh đất của mình, trồng cây, cày cấy bấy lâu mãn nguyện. Nhờ mảnh đất ấy đời sống ngày một no đủ, nuôi con cái trưởng thành. Tuy vậy, những đứa con ông được hưởng lúa gạo hoa màu từ ruộng vườn do tay ông lao động mà có lại không mấy mặn mà với đất, đôi khi chểnh mảng không thiết làm ruộng. Một ngày kia, ông bị ốm nặng, nhưng nghĩ đến ruộng đất yêu quý, rồi đây không ai cày xới thì lấy làm đau lòng. Hôm ấy, bệnh tình nặng quá, biết mình không qua khỏi, ông đành gọi hai đứa con lại mà rằng:

    - Các con nhớ rằng trong đám đất nhà mình có chôn một hũ vàng, sau khi cha mất, các con gia công chịu khó cuốc xới lên tìm kiếm, chắc sẽ giàu to.

    - Người cha mất rồi, anh em nhà nọ bảo nhau ra cuốc xới hết đám ruộng này sang đám ruộng khác. Mỗi lần cày xới chả thấy vàng đâu, họ đành bảo nhau trồng cây trên mảnh đất đó. Năm qua tháng lại, cuốc xới đất tơi xốp, lại chăm bón tưới nước đầy đủ nên lúa tốt bời bời, ngô sai bắp, khoai sai củ. Mùa thu hoạch đến, thóc chất đầy nhà, ngô khoai nhiều vô kể, lúc ấy họ mới nghĩ ra rằng người cha quá cố của mình đã nói đúng, họ đã tìm thấy vàng trên mảnh ruộng của mình chính là cuộc sống no đủ mà tấc đất đem lại.

    Theo truyện “Người nông dân và những đứa con”
    “Truyện cổ nước Nam” – Ôn như Nguyễn Văn Ngọc.
    -----------------------------

    Câu hàm ý sâu xa của người cha răn dạy là: Đất làm ra lúa gạo ngô khoai quý như vàng vậy. Hãy biết tận dụng và trân trọng từng tấc đất.

    Tấc đất tấc vàng – lời người xưa vẫn nguyên giá trị.

    Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang
    Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu.