Giải nghĩa thành ngữ dân gian (sưu tầm)

Thảo luận trong 'Góc lưu niệm - Giải trí' bắt đầu bởi Tôi yêu sandinh, 7/11/12.

  1. Ấm Áp Mùa Đông 2024: Chung tay vì Cộng đồng!

    Từ ngày 01/11/2024 đến 31/03/2025. Mục tiêu: 0

    Đã có 0 người ủng hộ. Số tiền nhận được là 0

    0
    Bỏ qua thông báo này (sẽ không bao giờ được hiển thị nữa, dù bạn đăng xuất/ đăng nhập lại)
  2. Bỏ qua thông báo này (sẽ không bao giờ được hiển thị nữa, dù bạn đăng xuất/ đăng nhập lại)
Bỏ qua thông báo này (sẽ không bao giờ được hiển thị nữa, dù bạn đăng xuất/ đăng nhập lại)
Danh sách Ủng Hộ AAMD 2024:
Tổng số tiền:
  1. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Bạch Diện Thư Sinh


    Đời nhà Tống, ở vùng Vũ Khang thuộc Ngô Quận, có một người tên là Trầm Khánh Chi, từ nhỏ đã ôm chí lớn, lại có sức mạnh và giỏi về bài binh bố trận.

    Niên hiệu Nguyên gia thứ 27, Tống Văn đế muốn mở mang bờ cõi về phương Bắc, sai nhóm Vương Huyền Mô đem quân Bắc phạt. Trầm Khánh Chi hết lời can ngăn, lại đưa ra trường hợp của nhiều vị vua trước, đã nhiều lần Bắc phạt nhưng đều thất bại. Tống Văn đế liền cử hai vị quan văn ra tranh luận với Trầm Khánh Chị Trầm Khánh Chi nói:

    - Giữ việc nước, cũng như lo việc nhà vậỵ Muốn bàn luận về việc cày ruộng thì phải bàn luận với một nông phu nhiều kinh nghiệm. Muốn bàn luận về việc canh cửi thì phải bàn luận với người đàn bà dệt vải. Nay Bệ hạ muốn mở chiến tranh với nước khác, mà lại để những người bạch diện thư sinh không 1 chút kinh nghiệm về quân sự đứng ra bàn luận, thì làm sao mà thành công được.

    Tống Văn đế không nghe lời Trầm Khánh Chi, cứ cho đem quân đánh phương Bắc, và quả nhiên bại trận nặng nề.

    Từ câu nói của Trầm Khánh Chi mà người đời sau rút ra thành ngữ "Bạch diện thư sinh" để chỉ người trẻ tuổi, chỉ có cái học sách vở, không có kinh nghiệm gì và không biết đối phó với thực tế ngoài đời.
     
    mod09 thích điều này.
  2. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Há miệng chờ sung


    Với thành ngữ ''Há miệng chờ sung'', nhân dân ta nhằm đả kích những kẻ lười biếng chực ăn sẵn bằng cầu may.

    Tục ngữ đã dạy: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Vậy mà cũng có kẻ chẳng muốn làm, chỉ chực chờ ăn. Hắn ta nổi tiếng lười biếng. Cái danh ''đại lãn'' quả là rất xứng đáng. Đại Lãn chờ sung há chẳng phải là một sự kiện nổi tiếng đó sao? Một ngày nọ, hắn đến bên một cây sung to. Chao ôi, bao nhiêu là quả chín! Lại nữa, thỉnh thoảng một quả rơi xuống bên gốc cây. Hắn nghĩ ngay ra một diệu kế. Cần phải nằm ngửa, há to miệng, thế nào cũng có quả rơi đúng miệng. Lúc đó, hắn sẽ nhai ngon lành, mà chẳng cần phải hoài công leo trèo, hái lượm gì… Nhiều quả sung lần lượt rơi chung quanh mình, nhưng chẳng có một quả nào rơi vào miệng hắn. Vừa đói, vừa mệt, hắn đành nuốt nước bọt thất vọng đứng dậy. Thành ngữ ''Há miệng chờ sung'' hay “Đại Lãn chờ sung'' chắc là xuất phát từ câu chuyện này.

    Với thành ngữ ''Há miệng chờ sung'', nhân dân ta nhằm đả kích những kẻ lười biếng chực ăn sẵn bằng cầu may. Thí dụ: ''Và những kẻ nhụt chí sinh ra há miệng chờ sung, nằm trong buồng riêng quan Tàu chờ thời như Nguyễn Hải Thần” (Tô Hoài. “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”).
     
  3. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Gửi trứng cho ác

    Trong cuộc sống, có những người cả tin đã gửi gắm cho kẻ xấu những thứ mà chính bản thân hắn thèm khát và tìm cách để chiếm đoạt. Người đời đã ví hành vi đó với việc gửi trứng cho ác.
    Thành ngữ gửi trứng cho ác được hình thành theo một lôgich khá thú vị. Trong thành ngữ này, ác chính là quạ. Mà quạ thì ai cũng biết là một loài chim ăn thịt sống. Hễ ngửi thấy mùi xác chết ở đâu là kéo thành bầy tới kiếm chác, ăn lấy ăn để. Quạ lại còn lần mò ăn trộm trứng trong tổ chim khi chim mẹ rời tổ. Ấy thế mà “bố mẹ” chim nào đó cả tin lại đem gửi trứng cho quạ trông nom thì thật là dại dột. Mặt khác, ở thành ngữ này, từ trứng đáng chú ý, vì nó có giá trị biểu trưng sâu sắc. Đối với chim, trứng là ruột thịt, là giọt máu truyền đời. Do vậy, trứng cần phải được nâng niu giữ gìn như chính mạng sống của chim mẹ. Ngoài chim mẹ chẳng còn ai khác có thể giữ gìn nổi quả trứng “mang nặng đẻ đau” này. Thế mà, đem trứng, vật báu cần bảo vệ nâng niu kia để gửi cho quạ, một kẻ chuyên ăn trộm trứng và đang cần chiếm đoạt để làm thức ăn hơn ai hết thì thật là dại dột và nguy hiểm biết bao? !

    Như vậy, về mặt ngữ nghĩa thành ngữ gửi trứng cho ác được xác lập theo một lôgich thuận chiều: đem một thứ quý, cần phải giữ gìn để gửi cho một kẻ xấu đang rình mò và muốn chiếm đoạt chính thứ ấy. Cái lôgich đó chúng ta cũng bắt gặp trong thành ngữ mang mỡ đặt trước miệng mèo. Dân gian thường mượn vật để nói người là như vậy đó.

    Thành ngữ gửi trứng cho ác trở thành lời phê phán những việc làm ngốc nghếch, cả tin trao gửi cho kẻ xấu những thứ quý giá mà chính kẻ trông giữ kia đang khao khát và có khả năng đoạt lấy cho riêng mình.

    Với ý nghĩa đó, thành ngữ gửi trứng cho ác đã cảnh tỉnh, nhắc nhở người đời đừng cả tin, phải biết phân biệt kẻ tốt người xấu trước khi gửi gắm điều gì, vật gì đó. Nên chọn bạn mà chơi, biết chọn mặt gửi vàng, chứ đừng gửi trứng cho ác!
     
    mod09 thích điều này.
  4. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Được voi đòi tiên


    Voi thường được tượng trưng cho cái gì to lớn khác thường, có tính chất khổng lồ. Trong nhiều ngữ cảnh khác, voi cũng mang ý nghĩa đó: voi nan, (bệnh) chân voi, lấy thúng úp voi, châu chấu đá voi, đầu voi đuôi chuột... Tiên thì thường dùng để biểu hiện cái gì tuyệt mỹ, tuyệt hảo đến mức lí tưởng: đẹp như tiên, sướng như tiên, có phép tiên, thuốc tiên, v.v... Tuy vậy nếu hiểu voi là tiên trong thành ngữ này theo ý nghĩa nói trên thì lại không thỏa đáng. Bởi vì có được số lượng (hoặc khối lượng) lớn nhất rồi, vẫn có quyền đòi hỏi chất lượng cao nhất, mà như thế đâu có phải là tham lam? Đạt được khối lượng thật lớn, lại còn muốn có được chất lượng thật cao nữa, ai dám bảo đó là “được voi đòi tiên”! Vậy thì phải hiểu voi và tiên ở đây là thế nào cho ổn?

    Phần lớn thành ngữ và tục ngữ được mọi người chúng ta hiểu giống nhau về ý nghĩa toàn cục. Còn ý nghĩa của từng yêu tố, từng từ được dùng trong đó thì lại có thể hiểu theo những cách khác nhau. Có thể giải thích các yếu tố đó theo khuynh hướng đồng đại, nhưng trong nhiều trường hợp, chỉ có thể giải thích bằng con đường đi vào từ nguyên hoặc tìm vào các phương ngữ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì thành ngữ, tục ngữ thường được tạo ra từ khá lâu và thường gắn với một xuất xứ cụ thể, mặc dầu khó mà xác định được chắc chắn.

    Trong tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, các con giống nặn bằng bột màu bán ở chợ làm đồ chơi cho trẻ em, có nơi gọi chung là voi. Trong câu hát đồng dao về con chim trả cũng có từ này. Khi bắt được con chim trả tranh, một loài chim bói cá nhỏ xinh đẹp, trẻ em thường cầm ngược cái mỏ dài của chim lên để chim lơ lửng và đọc câu hát “Tranh tranh trả trả, múa cho ả coi, đến mai đi chợ ả mua voi cho tranh tranh trả trả”.

    Trẻ em địa phương có thể gọi là voi, tên chung cho các con giống (miền Bắc còn có nơi gọi là tò he), hoặc gọi tên riêng của từng con giống: voi, ngựa, gà, vịt, ông tiên... thường trong các mẹt hàng đồ chơi này ở nông thôn, voi là con giống phổ biến hơn cả. “Voi” ở đây không to lớn gì hơn so với các con giống khác, do đó cũng không đắt tiền hơn. Duy chỉ có tiên là loại con giống hiếm hơn, và dĩ nhiên là cũng đắt tiền hơn. Cho nên “được voi đòi tiên” ban đầu có thể chỉ là câu trách các em bé có tính hay vòi vĩnh đối với thứ quà quê cụ thể đó.
     
  5. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Đa nghi như Tào Tháo

    Ở nước Trung Hoa thời Tam Quốc có viên quan Thừa tướng nổi tiếng đa nghi họ Tào, tên Tháo. Hắn đa nghi đến mức không tin bất kì ai trên dời dù người đó là tướng có tài hay người lính đã hết lòng phục vụ và bảo vệ hắn.

    Có một lần Tào Tháo đem quân đi chinh phạt nhà Thục. Quân Thục chống trả quyết liệt và cố thủ vững chắc. Cuộc chiến kéo dài, quân Tào mệt mỏi, tiến thoái lưỡng nan. Thấy tình thế khó nuốt được Thục, Tào bèn ban mật khẩu “Kê cân”. Một tướng giỏi của Tào là Dương Tu nghe lỏm được, liền truyền lệnh cho quân sĩ thu xếp hành trang, chuẩn bị rút. Thấy lạ, quân tả hữu liền hỏi:

    Tại sao tướng quân lại cho quân rút sớm vậy?

    Dương Tu đáp:

    Quan Thừa tướng đã ban mật khẩu “Kê cân” (nghĩa là gan gà) ý muốn nói ăn không được, vứt thì tiếc. Vậy việc rút quân chỉ nay mai thôi.

    Biết chuyện này, Tào Tháo khép tội Dương Tu là tiết lộ việc quân cơ, đem ra chém đầu. Nhưng đó chỉ là cái cớ. Cái chính là Tào Tháo biết Dương Tu là tướng có tài, chuyện gì cũng đoán biết được trước nên phải tìm cách hạ sát để trừ hậu họa. Tào Tháo còn là người đa mưu, nhưng vẫn rất sợ quân lính làm phản và bọn thích khách ám hại. Để đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra, hắn ra lệnh: Đêm ta ngủ thường mơ nơi trận mạc, tung hoành đao kiếm, đừng ai đến gần mà thiệt mạng. Một hôm, đang ngủ say, bỗng hắn trở mình, chăn rơi xuống đất. Tên lính hầu canh cửa thấy vậy bèn rón rén đến bên giường nhặt chăn lên đắp lại cho chủ tướng. Tào Tháo vùng phắt dậy rút ngay gươm đã thủ sẵn ở đầu giường chém người lính rồi lại nằm ngủ tiếp. Hành động chém giết tàn bạo của y không chỉ là lời răn đe khắc nghiệt đối với quân lính mà còn bộc lộ bản chất hay ngờ vực, hay nghi kị đến mức điển hình của một tính cách. Từ đó, tính cách của y đã được khái quát gọn trong năm chữ: Đa nghi như Tào Tháo.
     
  6. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Đèo heo hút gió


    Nếu chỉ xem xét ý nghĩa chung, ý nghĩa tổng thể thì thành ngữ đèo heo hút gió là một thành ngữ đơn giản, dễ hiểu. Trước hết, người Việt thường dùng thành ngữ này để chỉ nơi rừng núi hoang vu, thiếu vắng người qua lại.

    “Cái Xuân gặp anh bộ đội nào đó ở chốn đèo heo hút gió này là một điều mừng, hãy để cho họ tận hưởng niềm vui nghiêm chỉnh ấy nên thôi không úm nữa”. (Xuân Thiều. “Trời xanh”).

    Trong tiếng Việt, thành ngữ đèo heo hút gió còn biểu hiện ý nghĩa “xa xôi, cách trở của những vùng, miền, của những đường đi lối lại nói chung”. Thí dụ: “Hiện nay bát hoa men đã tới quê tôi nhưng một số nơi quá đèo heo hút gió hãy còn dùng bát vỡ, móng tre” (Văn nghệ 9-1960). “Trước kia tôi hoàn toàn không biết rằng đi trên những thiên lý đường đi, dù đường đèo heo hút gió xa lắc mấy trùng cũng không ai bỏ đường ra đấy cho thiên cho địa” (Xuân Diệu. “Đi trên đường lớn”). Dù hiểu với ý nghĩa nào thì thành ngữ đèo heo hút gió đều được nói về sự xa vắng, cách trở, gây cảm giác hoang sơ, buồn lặng và cô đơn. Tuy nhiên, muốn hiều rõ từng từ từng chữ trong thành ngữ thì lại không đơn giản. Cho đến nay, cách nghĩ các chữ heo, hút trong đèo heo hút gió chưa thống nhất. Phần lớn mọi người đều nhận thức heo, hút là hai yếu tố của một từ phức heo hút với nghĩa “ở vào nơi vắng và khuất, gây cảm giác buồn và cô đơn”. Theo đó, thành ngữ đèo heo hút gió là kết quả của sự giao kết ba từ đèo-heo hút-gió. Ưu thế của cách hiểu này là giải thích rõ được hết mọi từ trong thành ngữ. Nhưng, ở đây cũng bộc lộ những bất hợp lý, khó có thể biện minh được. Trước hết trong tiếng Việt, heo hút không có khả năng kết hợp với gió. Heo hút thường đi sau các danh từ chỉ vị trí, địa danh chứ không thể đứng trước hoặc sau các danh từ chỉ hiện tượng thiên nhiên như mưa, gió, sấm, chớp,... để bổ nghĩa về tính chất “xa vắng cách trở, cô đơn”. Hơn nữa, nếu xem heo hút là một từ như cách hiểu này, người ta không giải thích được dạng thức hút gió đèo heo vốn là một biến thể của thành ngữ đèo heo hút gió. Thí dụ: “Họ tống đến nơi quân dịch đang gào, nơi hút gió đèo heo” (Trinh Đường. “Hoa gạo”).

    Từ những bất hợp lý trên, chúng ta phải nghĩ đến hướng tìm tòi khác để giải thích các chữ heo, hút cho hợp lý. Điều cần được chú ý trước nhất là phải dựa vào luật đối và điệp, vốn rất phổ biến trong cách cấu tạo thành ngữ tiếng Việt. Theo hướng này, đèo heo hút gió được xem xét trên cơ sở đối ý đối lời. Ở thành ngữ này có sự đối ý giữa đèo heo và hút gió và đối lời giữa đèo và hút, giữa heo và gió. Ở cặp đối heo và gió, chúng ta dễ nhận ra heo và gió cùng nghĩa. Ta có thể nhận thấy heo có nghĩa như gió trong heo may, trời hanh heo. Heo chính là gió lạnh mùa thu – đông, một thứ gió hanh khô, gây cho da nứt nẻ. Ở cặp đèo và hút thì chỉ có từ hút là phải làm rõ nghĩa. Như đều biết, trong tiếng Việt vốn có từ hút với nghĩa động từ chỉ “hoạt động cuốn theo luồng, theo dòng, làm cho nước và khí, gió xoay tròn”. Động từ hút được chuyển thành danh từ chỉ luồng nơi tập trung dòng chảy, luồng xoáy như hút nước, hút gió. Chữ hút trong thành ngữ đèo heo hút gió là từ hút danh từ này. Vậy là, nhờ có những cứ liệu trên, chúng ta đều thấy rõ thành ngữ đèo heo hút gió hoàn toàn tuân thủ theo luật đối điệp và tương hợp về từ loại cũng như về ý nghĩa. Đây là dạng thức thường gặp trong cấu trúc thành ngữ tiếng Việt, lệ như chân lấm tay bùn, lòng chim dạ cá, lòng son dạ sắt. Điều đó càng được khẳng định chắc chắn hơn khi nhận thấy một biến thể khác của thành ngữ đèo heo hút gió là đèo mây hút gió hoàn toàn hiện rõ nguyên hình là một thành ngữ đối và điệp. Ví dụ: “Có người bị giặc truy bức đành bỏ quê hương, lạc loài đến vùng đèo mây hút gió để kiếm sống như nghệ sỹ Ngọc Cần ở Plâyku” (Văn học nghệ thuật 11-1976).
     
  7. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Cõng rắn cắn gà nhà

    Thành ngữ cõng rắn cắn gà nhà được dùng trong tiếng Việt với ý nghĩa hàm chỉ hành động phản bội Tổ quốc, phản lại nhân dân, đem giặc về giết hại đồng bào, đồng chí, anh em bạn bè thân thích.
    Thí dụ : “Nguyễn Ánh đã cõng rắn cắn gà nhà, nên giặc Pháp đã có điều kiện xâm lược nước ta” (Tạp chí văn học 4-1974).

    Ý nghĩa thành ngữ cõng rắn cắn gà nhà được hình thành nhờ tính biểu trưng của các từ ngữ tạo nên nó. Trong thành ngữ này, rắn biểu trưng cho kẻ xấu, độc ác hại người, và hiểu rộng ra là kẻ thù, là bọn giặc. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi trong ý thức của nhân dân ta, rắn bao giờ cũng được liên hệ với cái độc ác, nham hiểm. Rắn đổ nọc cho lươn, rắn đến nhà không đánh thành quái là thế. Còn, gà là vật nuôi quen thuộc, là đối tượng cần được chăm sóc, bảo vệ chu đáo. Trong nhận thức dân gian, gà hay được biểu trưng cho tình anh em ruột thịt: “khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” (Ca dao). Khi từ gà kết họp với từ nhà , tạo thành tổ hợp gà nhà, thì ý nghĩa đó càng thể hiện rõ. Một khi những người anh em thân thiết mà lại làm hại lẫn nhau, thì người đời sẽ chê trách là ''gà nhà bới bếp nhà”. Cho nên khi nói, rắn cắn gà nhà, thì ý nghĩa nổi bật lên đầu tiên là kẻ ác làm hại những người thân thích của mình. Cái lí thú của thành ngữ này còn ở từ cõng với nghĩa khom lưng đưa rước kẻ khác. Và, trớ trêu thay, hành động cõng ở đây lại là cõng rắn, đưa rước kẻ độc ác, kẻ nguy hiểm về làm hại những đối tượng đáng lẽ mình phải có bổn phận chăm sóc, bảo vệ! Sự kết hợp ý nghĩa biểu trưng của các từ, các thành tố riêng lẻ đã dem lại cho thành ngữ cõng rắn cắn gà nhà ý nghĩa chung hàm chỉ hành động đem kẻ ác, kẻ nham hiểm đến làm hại người thân của mình, và hiểu rộng ra, đó là hành động phản bội đồng bào, đưa giặc vào giày xéo Tổ quốc thân yêu của mình. Đó là hành động tội lỗi đáng muôn đời nguyền rủa:

    “Cõng rắn cắn gà nhà
    Nghìn thu tội với sơn hà còn đeo”
    (“Bài ca chiến đấu”)

    Cùng nghĩa với thành ngữ cõng rắn cắn gà nhà, trong tiếng Việt còn có thành ngữ rước voi về giày mả tổ. Về cơ bản, ý nghĩa hai thành ngữ này tương tự nhau. Tuy nhiên, thành ngữ rước voi về giày mả tổ có sắc thái biểu cảm mạnh hơn.
     
  8. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Trộm cắp như rươi


    Để diễn tả tình trạng nhiều trộm cắp gây mất trật tự an toàn xã hội, trong tiếng Việt người ta hay dùng thành ngữ trộm cắp như rươi.

    Trộm cắp như rươi đó là tình cảnh của một xã hội loạn lạc, rối ren khi mà bộ máy chính quyền không còn đủ sức làm chủ tình hình được nữa, mặc sức để cho bọn trộm cắp hoành hành. Câu thành ngữ trên là nói về bọn đầu trộm đuôi cướp nói chung, cho nên còn có các biến thể khác như trộm cắp như rươi, kẻ cắp như rươi hoặc cướp đường như rươi.

    Trong thành ngữ này, rươi là một loài giun đất, có nhiều chân, cơ thể có rất nhiều lông tơ, do gốc rạ mục sinh ra vào mùa thu, ở những chân ruộng nước lợ. Vào mùa rươi, rươi nhiều vô kể đến nỗi bà con nông dân có thể bắt rươi về làm mắm ăn. Vì rươi nhiều như vậy nên trong tiếng Việt, rươi thường được ví với những gì thật đông, thật nhiều, song chủ yếu lại được ví với bọn người bất hảo, bất lương có thể gây ra những tai hoạ bất ngờ cho con người. Tóm lại rươi thường được ví với bọn người xấu đối lập với người lương thiện. Điều đó khiến rươi khác với kiến trong thành ngữ đông như kiến, vốn được dùng để làm đối chứng cho so sánh số lượng người đông đúc, thành đoàn, thành lũ mà không có nét nghĩa đánh giá những người đó tốt hay xấu, lương thiện hay bất lương...
     
  9. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Ăn chay niệm Phật nói lời từ bi


    Thành ngữ ăn chay niệm Phật, nói lời từ bi được lưu truyền rộng rãi trong Phật giáo nói riêng, trong nhân dân nói chung để chỉ sự ăn uống thanh đạm: tụng kinh thờ Phật, nói năng hiền từ, không độc địa trong lời nói cửa miệng.

    Theo Phật giáo, ăn chay là ăn không quá giờ Ngọ, không ăn thịt các động vật. Niệm Phật là xưng đọc, nhớ nghĩ đến danh hiệu của Phật. Nói lời từ bi là nói những lời tâm phúc, tốt lành, thanh nhã, mang lại lợi ích cho mọi người, mọi loài, không thêu dệt, không nói dối, lật lọng, không chửi bới nguyền rủa, bởi từ là ban cho sự vui, bi là cứu cho khỏi khổ ải.

    Lần giở trang sử Phật giáo, chúng ta được gặp Tuệ Viễn ở Lư Sơn (vào thế kỷ 7, đời Đường) đã có công lập ra liên xã, phổ biến phép niệm Phật, ăn chay, hướng dẫn Tịch độ. Thời ấy, Tuệ Viễn đã ra quy ước trong toàn xã ai ai cũng phải ăn chay niệm Phật và lời nói ra phải đủ đức từ bi, không được ngôn đàm hí tiếu. Thành ngữ ăn chay niệm Phật, nói lời từ bi có từ thuở đó.

    Trong sử dụng ngôn ngữ, nhiều khi thành ngữ ăn chay niệm Phật, nói lời từ bi được rút gọn thành ăn chay niệm Phật. Dạng thức rút gọn này vẫn phản ánh đầy đủ ý nghĩa toàn thành ngữ.
     
  10. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Vàng thau lẫn lộn
    Vàng, thau là hai kim loại khác nhau. Vàng thuộc loại kim loại quý, hiếm, có giá trị cao. Còn thau chỉ là hợp chất giữa đồng và kẽm, có màu vàng lợt. Về hình thức, vàng và thau có màu sắc như nhau, dễ nhầm lẫn. Nhưng về bản chất, vàng, thau hoàn toàn khác nhau, không thể đánh đồng cùng một hạng, một thang giá trị. Đối với con người và các hiện tượng trong cuộc sống cũng tương tự như vậy. Giữa cái tốt, cái xấu, cái thật, cái giả, giữa cái đúng và cái sai... đôi khi dựa vào hình thức để phân biệt, nhận biết tính xác thực của chúng cũng không đơn giản. Sự nhầm lẫn trong đánh giá, nhận biết các chân giá trị này, thường được nhân dân ta biểu thị bằng thành ngữ "vàng thau lẫn lộn".

    Trong tiếng Việt, thành ngữ "vàng thau lẫn lộn", ngoài việc hàm chỉ sự nhận thức lẫn lộn các chân giá trị, còn được để đánh giá bản chất của các hiện tượng, các hành động. Một xã hội "vàng thau lẫn lộn", một tập thể "vàng thau lẫn lộn"... cũng là một xã hội, một tập thể không còn thể thống, không còn nề nếp và đang suy thoái, lộn xộn, đảo điên.

    Vô tình đánh giá, nhận biết sai các chân giá trị, làm cho "vàng thau lẫn lộn" là chuyện thường gặp. Đó là kết quả của trình độ nông cạn, thiếu kinh nghiệm và đôi khi còn là kết quả sự cẩu thả thiếu thận trọng, "nhìn gà hoá cuốc". Nhưng cố ý làm cho "vàng thau lẫn lộn", để đổi trắng thay đen lại là hành động có ý thức, hành động bịp bợm, thâm hiểm. Bản chất xấu xa ti tiện của loại hành động này cần được vạch mặt chỉ tên.
     
  11. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Tham Bát Bỏ Mâm

    Trong cuộc sống, đôi khi chỉ vì tham những lợi lộc nhỏ mọn, trước mắt mà người ta bỏ qua những nguồn lợi lâu dài, to lớn hơn. Vậy làtham bát bỏ mâm.

    Ý nghĩa trên được hình thành nhờ sự so sánh trực quan và nôm na của tư duy dân gian: Bát chỉ là phần nhỏ nằm trong mâm cỗ lớn. Thế mà cố giành lấy bát, quên rằng mâm cỗ còn nhiều hơn, còn to hơn, âu cũng là tư tưởng tầm thường, được miếng nào hay miếng ấy, không biết nhìn xa trông rộng. Vì lẽ đó, thành ngữ tham bát bỏ mâm thường cũng được dùng để phê phán lối nhìn thiển cận, cách làm ăn manh mún, thiếu tính toán. Bỏ được tư tưởng tham bát bỏ mâm thì mới có thể tiếp cận được lối làm ăn lớn.

    Thành ngữ tham bát bỏ mâm còn có biến thể như tham đĩa bỏ mâm, tham miếng bỏ bát.

    Ngoài ra, trong tiếng Việt gần nghĩa với tham bát bỏ mâm còn có thành ngữ tham bong bong bỏ bọng trâu.
     
  12. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Lấy Thúng Úp Voi


    Voi là con vật to lớn so với nhiều loài động vật, ngôn ngữ dân gian thường ví von “to như voi.” Thúng là cái rổ sâu, đường kính lớn hơn cái rổ thường, đan bằng tre, dùng đựng thóc, gạo, đậu hay ngô khoai. Đọ với con voi, cái thúng gánh ở hai đầu quang gánh hay cắp bên nách người đàn bà nông thôn, rõ ràng là rất nhỏ, úp nguyên cái đầu voi đã không lọt, nói chi cả
    mình voi?

    Vì vậy, câu tục ngữ “Lấy thúng úp voi” diễn tả:

    1. Một việc sai trái lớn tầy đình mà toan che đậy bằng lý lẽ thiếu sót, không đủ, khiến dấu đầu hở đuôi.

    2. Dùng biện pháp nhỏ để giải quyết việc lớn, không thích hợp.

    Thí Dụ:

    “Công ty làm ăn thua lỗ nặng, tiếng đồn khắp nơi mà ban giám đốc cứ biện luận qua quýt để dấu, có mà lấy thúng úp voi!”

    “Con làm gì, mẹ đã biết hết, đừng loanh quanh lấy thúng úp voi nữa.”
     
  13. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Nước Mắt Cá Sấu


    Cá sấu là một loại bò sát mạnh bạo, ăn thịt động vật mà nó bắt được. Loài vật này có thể tấn công và bắt những con vật to lớn khoẻ mạnh như trâu bò và có khi là con người khi vô tình rơi vào phạm vi hoạt động của nó. Do đó người ta xếp cá sấu vào loại động vật hung bạo nguy hiểm. Có một điểm đặc biệt là sau khi nuốt chửng con mồi, khoé mắt cá sấu lại chảy nước tương tự như con người chảy nước mắt khóc thương ai đó. ..Vì sự tương quan này người ta nghĩ là cá sấu đã khóc cho nạn nhân của nó, kẻ vừa bị nó cướp đi sinh mạng.

    Dựa vào tính cách khóc thương kiểu của cá sấu này, người ta liên tưởng đến những hạng người giả dối trong xã hội. Một mặt hại người, hại bạn, một mặt thì nói lời tử tế hiền lành. Một mặt thì làm điều xằng bậy, một mặt nói lời giả nhân, giả nghĩa.

    Trong dân gian còn có câu "miệng thì nam mô bồ tát, trong bụng vác một bồ dao găm”. Hạng người này thật là nguy hiểm!
     
  14. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Thua keo này bày keo khác


    Trong cuộc sống không phải bao giờ cũng thuận chiều suôn sẻ. Con người không dễ dàng tránh khỏi những thất bại đắng cay. Người không có chí, gặp thất bại là nản lòng, là bỏ cuộc. Người có chí, khi thất bại phải tìm cách khôi phục, không chịu thua thiệt, thua keo này bày keo khác.

    Tùy thuộc vào bản chất của đối tượng mà trong sử dụng ngôn ngữ, thành ngữ thua keo này bày keo khác có những sắc thái ý nghĩa khác nhau. Với những người có tư tưởng làm việc phục vụ cho lợi ích nhân dân, thành ngữ thua keo này bày keo khác, thể hiện sự kiên trì phấn đấu để đạt mục đích.

    Thành ngữ thua keo này bày keo khác bao gồm hai vế kết hợp với nhau, không đòi hỏi tính chặt chẽ một cách nghiêm ngặt. Vì vậy, trong sử dụng, giữa hai vế người ta có thẻ thêm vào các từ chỉ chủ thể hành động, chẳng hạn như thua keo này ta bày keo khác...
     
  15. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Nước Đổ Đầu Vịt

    Với một số đối tượng, thì có khuyên bảo, dạy dỗ đến đâu cũng vô ích, không có tác dụng gì. Công sức dạy bảo khuyên nhủ đó cũng như "nước đổ đầu vịt" mà thôi.

    Như đã biết, đầu vịt đã bị thon, lại hơi nhô. Lông ở đầu vịt thường dày và mượt. Thành ra, nước đổ lên đầu vịt cứ trôi tuồn tuột, chẳng dành thấm vào đâu được. Hiện tượng có thực này dễ làm người ta liên tưởng đến việc không tiếp thu lời khuyên bảo ban của một số người. Ở họ, dẫu có cố công giảng giải, răn bảo bao nhiêu thì cũng vô ích. Họ không ghi nhớ, không hiểu ra do kém trí thông minh, ít hiểu biết hoặc trì độn. Nhưng cũng có khi không phải vì kém cỏi, tối dạ mà là do sự bướng bỉnh, gàn quấy, hiểu cả đấy, biết là lời hay lẽ phải đấy, nhưng cứ không nghe theo không làm theo như chẳng nghe gì cả. Kẻ dốt nát thì không tiếp nhận lời dạy bảo là chuyện bình thường. Họ cứ ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm. Nói với họ rõ là chán, nói với đầu gối còn hơn. Như vậy, cả kẻ dốt nát và kẻ bướng bỉnh đều gặp nhau ở chỗ là mọi lời giáo huấn, chỉ dẫn đều vô tích sự, đều vô dụng, không mang lại hiệu quả gì.

    Dần dần thành ngữ "nước đổ đầu vịt" được mở rộng để chỉ sự vô tác dụng, vô ích, không có kết quả nói chung.

    Gần nghĩa với "nước đổ đầu vịt" còn có một loạt thành ngữ như: như nước đổ lá khoai (môn), như nước đổ đầu chày...
     
  16. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Hàng Tôm Hàng Cá



    Thành ngữ hàng tôm hàng cá trong tiếng Việt “chỉ những người hay cãi lộn nhau một cách nhỏ nhen” (Đào Văn Tập. Từ điển Việt Nam).

    Do đâu thành ngữ có nghĩa như trên? Điều này, nguyên do là ở chỗ hàng tôm và hàng cá đích thực ở chợ. Vào những ngày tư, ngày rằm hay ngày tết, khi nhu cầu về thức ăn của người ta tăng lên thì hàng tôm, hàng cá (và cả hàng thịt nữa) thường đông khách, chủ yếu là các bà, các cô, kẻ mua nguời bán tấp nập, kẻ bớt một, người thêm hai, cứ là “ồn ào như vỡ chợ”. Rồi thì sự “mua tranh bán cướp" tất yếu xảy ra câu chuyện “hàng tôm” tranh khách của “hàng cá” còn “hàng cá” lại muốn cướp khách của “hàng tôm”. Và cuối cùng họ đôi co, cãi lộn, quen thói “tanh tưởi”, họ trút tất cả ra ở chợ! Hàng tôm hàng cá là như vậy. Hoá ra là, quy luật cạnh tranh của thị trường đời nào cũng có! Thành ngữ hàng tôm hàng cá chỉ sự đanh đá, cãi vã, lắm điều trong cách xử sự nhỏ nhen thô lậu, thường là của đàn bà con gái khi tranh chấp một quyền lợi gì đó. Từ nét nghĩa cơ bản trên, ý nghĩa thành ngữ được mở rộng: “nó còn chỉ một lối chơi" không đẹp, một cách xử sự nhỏ nhen trong quan hệ giữa người với người trong cuộc sống.

    Đôi khi thành ngữ hàng tôm hàng cá được dùng để chỉ một lối mua bán theo kiểu chợ búa của hàng tôm hàng cá.

    Trong tiếng Việt còn có hai thành ngữ khá lí thú, gần nghĩa với hàng tôm hàng cá hàng thịt nguýt hàng cá trâu buộc ghét trâu ăn.

    Song, hai thành ngữ hàng thịt nguýt hàng cá trâu buộc ghét trâu ăn chỉ mang nét nghĩa “ghen ăn tức ở” chứ không có nét nghĩa biểu thị sự cãi lộn, đanh đá, lắm điều hay đối xử thô lậu, nhỏ nhen. Xem ra hai thành ngữ sau có sắc thái mát mẻ hơn hàng tôm hàng cá.
     
  17. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Tức nước vỡ bờ

    Trong những vùng ven sông, kênh rạch, người nông dân thường đấp đê, đấp bờ để ngăn chận nước lớn tràn vào ruộng vườn quá mức cho phép gây ngập úng. hoặc đấp bờ để giữ nước trong ao hồ, cho việc cần sử dụng. Nếu lượng nước lưu trữ hoặc chãy quá lớn quá mạnh, bờ không thể giữ được phải vỡ, nước tràn.

    Tức nước vỡ bờ ám chỉ bất cứ sự chịu đựng nào cũng có giới hạn của nó. Nếu vượt quá giới hạn cho phép thì sự chịu đựng không còn nữa mà thay vào đó bằng một phản kháng giống như bờ bị nước ép quá không thể nào giữ yên được và phải vỡ ra.

    Với tính tham sẳn có trong bản chất con người, không dừng lại ở một giới hạn cho phép, nên khi chất chứa một món gì đó, chứa được mười thì muốn mười hai, và khi vật chứa không đủ sức chịu đựng thì phải vỡ thôi.

    Trong quan hệ xã hội hàng ngày. Nhiều cá nhân muốn duy trì sự ôn hoà trong cộng đồng, đã cố gắng nhường nhịn những kẻ ỷ thế, cậy quyền, trong tư tưởng một câu nhịn chín câu lành với mong mỏi việc gì rồi cũng qua đi, vui vẻ bình an là chính… Tuy nhiên, thói thường những kẻ ỷ thế cậy quyền thường không cảm nhận được sự nhịn nhục của người khác đối với mình là có giới hạn, và khi lấn lướt được ai đó, thì họ có cảm giác đắc thắng và muốn tiến xa hơn nữa trong việc lấn lướt. .. Người nhường nhịn chỉ có thể nhường nhịn đến một mức nào thôi và khi quá sức chịu đựng người ấy sẽ phản kháng lại. Sự phán kháng sau khi nhịn nhục quá mức này nó sẽ mạnh mẽ hơn là những phản kháng tức thời. Vì dựa vào hình ảnh nước chảy, nếu chảy từ từ thì không có gì, nhưng nếu do vỡ bờ mà chảy thì ào ạt mạnh mẽ khôn cùng.

    Điều này nhằm giải thích. Trong quan hệ xã hội, làm gì cũng đừng đưa người khác vào một thế chịu đựng quá mức. Vì nếu dồn nén ai vào một mức chịu đựng quá sức thì việc phản kháng mạnh mẽ lại là việc đương nhiên không tránh khỏi.
     
  18. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Dở dở ương ương



    Cũng như nhiều thành ngữ khác trong tiếng Việt, thành ngữ dở dở ương ương được hình thành bằng ghép láy hai từ dởương đi liền nhau.

    Nếu chấp nhận rằng có một sự chuyển nghĩa từ dở trong khế dở (khế không ra ngọt mà cũng không ra chua) đến dở trong dở người, từ ương trong ổi ương đến ương trong ương gàn, ương ngạnh v.v… thì cũng có thể chấp nhận có hai cách giải thích của thành ngữ dở dở ương ương.

    Với nghĩa gốc, dở là ở trạng thái chưa xong, chưa kết thúc; còn ương biểu thị cái trạng thái của trái cây gần chín, cái trạng thái chưa chín hẳn, nhưng cũng chẳng còn xanh nữa! Có thể nói dở và ương đều có một nét nghĩa chung là ở trạng thái, chưa kết thúc của quá trình, ở trạng thái nửa vời, không ra thế nọ mà cũng chẳng ra thế kia. Từ đó, với nghĩa bóng, nghĩa rộng, thành ngữ dở dở ương ươngthường được dùng để biểu thị tính cách của những người khôn chẳng ra khôn mà dại chẳng ra dại. Dĩ nhiên cái tính cách, phẩm chất này lại thường thể hiện ở cách nói năng, cách ứng xử, thí dụ:

    “Ấy cũng chỉ vì trên đầu có hai thứ tóc nên mới ăn nói dở dở ương ương như thế”. (Tạp chí VNQD 1-1967).

    “Gọi là Đạo Khùng vì ông dở dở ương ương lúc cười nói huyên thuyên, lúc im hơi lặng tiếng, khi thì đon đả hỏi chuyện khách viếng thăm, vui vẻ trả lời các câu hỏi, lúc lì lì hoặc gắt gỏng, xua đuổi người đến thỉnh cầu như xua tà” (Khoa học bịp).

    Với nghĩa chuyển, dở được dùng để biểu thị tính khí không bình thường, được biểu hiện bằng những hành vi ngớ ngẩn, còn ương là “gàn”, cứ theo ý mình, không chịu nghe ai” (Từ điển tiếng Việt, 1988). Như vậy thì việc giải thích dở dở ương ương là thành ngữ biểu thị tính cách của con người không bình thường, khôn chẳng ra khôn, dại chẳng ra dại cũng là cách giải thích có thể chấp nhận được. Trong trường hợp này, thì nghĩa của dở dở ương ương được hình thành từ nghĩa chuyển của dở và ương, chứ không phải từ nghĩa gốc của hai từ này.
     
    mod09 thích điều này.
  19. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Bóc ngắn cắn dài



    Về ý nghĩa thành ngữ bóc ngắn cắn dài, các cuốn sách như “Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên (NXB. KHXH 1988), “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” của Nguyễn Lân (NXB. VH 1989) đều giải thích là nói đến, hoặc chê việc “làm được ít mà tiêu dùng lại quá nhiều”.

    Thí dụ: “Chuyện ông cụ ngày xưa chỉ bóc ngắn cắn dài nghèo rớt mồng tơi, suốt đời đi dũi đi dậm như con trâu nước mà chỉ ráp nghề đãi bạn” (Vũ Tú Nam. “Kể chuyện quê nhà”).

    Thành ngữ bóc ngắn cắn dài được giải thích như trên là đúng nhưng chưa đủ. Trên thực tế, thành ngữ này còn được dùng với ý nghĩa rộng hơn, phê phán lối làm ăn có tính cò con do tham lam, muốn bỏ ít công sức, vốn liếng mà lại muốn thu được lợi nhuận nhiều.

    Thí dụ:“Thực dân Pháp trước đây già cỗi, tầm nhìn ngắn, sức nghĩ nông, chỉ nghĩ tới chuyện bóc ngắn cắn dài (Báo Nhân dân 31-10-1976).

    Ý nghĩa chung của thành ngữ bóc ngắn cắn dài nẩy sinh trên một lôgich và cơ chế nghĩa khá lí thú. Như đều biết, thành ngữ bóc ngắn cắn dài nói tới một việc rất cụ thể, nói đến chuyện ăn uống một thứ gì có vỏ. Thứ đó là gì không thành vấn đề, bởi ai mà chẳng liên hệ với cái thứ vỏ mềm, khả dĩ ăn được như khoai lang, chuối... Điều quan trọng hơn là, trên thực tế có những kẻ bóc vỏ được một phần ngắn mà khi ăn lại cắn một phần dài hơn, lấn sang cả chỗ chưa bóc vỏ. Lệ thường thì đó là hành vi phàm ăn tục uống. Nhưng người đời không nhất thiết khai thác hoàn toàn ý này. Người ta chỉ còn giữ được cái ý “làm thì ít mà muốn hưởng thì nhiều”. Điều này có liên quan tới nghĩa thứ hai của thành ngữ, tức là phê phán kẻ làm ăn cò con, hám lợi, muốn bỏ sức và bỏ vốn ít nhưng muốn thu về cho nhiều lợi lộc hơn. Thực ra ở thành ngữ này, dân gian đã khai thác theo một hướng khác trên cơ sở nghĩa biểu trưng của các từ cấu tạo nên thành ngữ. Các từ bóc, ngắn, cắn, dài đều có ý nghĩa biểu trưng riêng. Ở đây bóc biểu trưng cho lao động, cho hành động làm (việc),ngắn biểu trưng cho số lượng ít, sản phẩm làm ra không nhiều, trong khi đó cắn biểu trưng cho hành động ăn, việc tiêu dùng nói chung,dài biểu trưng cho số nhiều, phần chi tiêu lớn. Tổng hòa nghĩa của các thành tố này, chúng ta có thành ngữ bóc ngắn cắn dài với ý nghĩa “làm ra được ít mà chi dùng quá nhiều”. Vì đi theo hướng biểu trưng này nên thành ngữ bóc ngắn cắn dài đã xa dần với cái xuất phát điểm của nó, cũng như thực tế quan sát việc ăn uống theo lối bóc ngắn cắn dài. Từ bóc chẳng còn gợi gì đến việc “bóc vỏ” nữa. Thành ra, trong tiếng Việt, đôi khi người ta còn dùng động từ làm để thay vì cho bóc trong thành ngữ này để tạo lập một biến thể khác là làm ngắn cắn dài. Thí dụ: “Tay Bật hai vợ chồng khỏe thế sao đã hết thóc? - Làm ngắn cắn dài. Chị vợ làm trại ở chăn nuôi, buổi đực, buổi cái. Tính lại hay ăn quà như mỏ khoét. Của đâu cho lại” (Hoàng Minh Tường. “Đồng chiêm”).

    Dạng thức Làm ngắn cắn dài tuy làm mất thế đối xứng giữa các động từ vốn có liên hệ chặt chẽ về nghĩa và hành động bóc và ăn trên thực tiễn, song nó vẫn được tồn tại hiển nhiên trong tiếng Việt, do tính biểu trưng của các thành tố trong thành ngữ đem lại.

    Trong sử dụng ngôn ngữ, thành ngữ bóc ngắn cắn dài được dùng khá linh hoạt. Thành ngữ này được tách, chen, thay đổi vị trí các yếu tố trong đó theo những dạng thức khác nhau tùy theo dụng ý người nói, người viết. Thí dụ:

    “Bóc thì ngắn, cắn thì dài
    Hàng trong ế ẩm, hàng ngoài nhập siêu”
    Sưu tầm
     
    _Thu Hương_ thích điều này.
  20. Tôi yêu sandinh

    Tôi yêu sandinh Lý trưởng

    Lời ong tiếng ve


    “Ong” “ve” trong câu thành ngữ trên là con ong và con ve. Và thành ngữ lời ong tiếng ve có nghĩa là lối chê bai, châm chọc của người đời đối với ai đó. Phải chăng, do đặc điểm của ong và ve là hay châm chích và khi bay, hai giống côn trùng này phát ra tiếng kêu vo ve khó chịu nên người ta đã nhân cách hóa để nói về chuyện đàm tiếu của con người.

    Lời ong tiếng ve là những tin đồn, là lời chê bai về những chuyện không hay. Những tin đồn, những lời đàm tiếu đó có thể đúng mà cũng có thể sai.

    Những lời ong tiếng ve có khi là của “miệng thế gian” và có khi là của kẻ rỗi hơi “ngồi lê đôi mách” thích đơm đặt chuyện người khác do “ghen ăn tức ở”. Đối tượng mà lời ong tiếng ve hướng tới không chỉ là người nào đó, mà có khi là cả một tập thể.

    Trong tiếng Việt thành ngữ trên còn có những biến thể khác, như điều ong tiếng ve, tiếng ong tiếng ve

    Thành ngữ lời ong tiếng ve có một loạt các thành ngữ đồng nghĩa khác như: lời ra tiếng vào, lời to tiếng nhỏ, lời xa tiếng gần