Quý thành viên thân mến! Hệ thống Khoa Cử Bảng Vàng của Sân Đình là một tính năng lớn vô cùng đặc sắc, vô cùng hấp dẫn mà không một game nào có được. Tính năng này tái hiện chân thực lịch sử khoa cử của nền phong kiến Việt Nam trong hàng ngàn năm qua. Những Chắn Thủ của chúng ta cũng như những văn nhân trí sĩ đất Việt thời xưa; khổ công ôn luyện, dùi mài kinh sử, hòng rước lấy công danh, vinh quy bái tổ về làng. Kỳ 8 của Loạt phóng sự "Đồng hành cùng Công Thần Đại Chiến 2018" sẽ dành một số đặc biệt để nói về lịch sử ngàn năm sáng chói của Khoa Cử Việt Nam. Kính mời quý độc giả cùng nghiên cứu và thảo luận. Chế độ khoa cử ngày xưa là trụ cột xây nên lâu đài văn hoá và văn minh quốc gia, nó cũng là một mặt biểu hiện của tiến bộ xã hội. Khoa cử là đường công danh của con người trong xã hội phong kiến. Mỗi triều đại có các hình thức và chế độ đãi ngộ khác nhau, nhưng tựu trung lại là muốn phát hiện và thu nạp nhân tài phục vụ đất nước. Chế độ khoa cử đầu tiên của Việt Nam được tiến hành dưới triều vua Lý Nhân Tông, năm Ất mão (1075) và kết thúc vào năm Kỷ mùi (1919) dưới triều vua Khải Định nhà Nguyễn. Trong gần ngàn năm tồn tại và cải biến, chế độ khoa cử Việt Nam đã tuyển trạch được hàng vạn nhân tài cho đất nước. Phần nhiều trong số họ đã làm rạng danh non nước Việt Nam. Họ trở thành niềm tự hào dân tộc - Bia đá bảng vàng - và là những tấm gương sáng chói để hậu thế noi theo như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hiền, Nguyễn Trãi, Lê Văn Hưu, Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Nguyễn Khuyến... Triều Lý đã tổ chức được 6 khoa thi; triều Trần được 14 khoa; triều Hồ được 2 khoa; triều Lê được 28 khoa, dưới triều Lê Trung Hưng hay Lê - Trịnh tổ chức thêm được 73 khoa; triều Mạc 22 khoa và triều Nguyễn tổ chức được 39 khoa. Vậy, trong suốt lịch sử khoa cử nước ta có tổng cộng là 184 khoa thi. Dưới triều Lý, mỗi khoa thi cách nhau 12 năm, sau đó rút xuống còn 7 năm. Đến đời vua Lê Thái Tông thì 6 năm mở một khoa. Năm Quang Thuận thứ bảy (1466) triều Lê Thánh Tông thì khoảng cách giữa các khoa thi là 3 năm, và khoảng cách này được duy trì cho đến khoa thi cuối cùng ở nước ta. Thông thường thì khoa thi được tổ chức ở những năm cố định. Tuy nhiên, lịch sử Việt Nam vốn không phẳng lặng cho nên nhiều khi khoa thi không được tổ chức đúng vào hạn kỳ của nó, hoặc giả, do nhu cầu cần tài năng phục vụ nước nhà, nhà vua có thể cho tổ chức khoa thi sớm hơn thời gia đã định - đó gọi là Ân khoa. Khoa cử dưới các triều đại phong kiến được tổ chức rất nghiêm túc và chia làm ba kỳ thi là thi Hương, thi Hội và thi Đình. Danh hiệu của các tân khoa đỗ đạt cũng khác nhau giữa các triều đại. Thi Hương có nhiều trường thi, mỗi tỉnh có khả năng thì được mở một trường thi, nhưng phổ biến là nhiều tỉnh lân cận cùng khu vực gộp lại thành một trường. Các trường thi này cũng khác nhau giữa các thời kỳ, các triều đại. Thi Hội và thi Đình thì được tổ chức tập trung ở kinh đô. Thí sính đỗ đạt trong kỳ thi Hương được chia làm hai loại (lấy người đỗ từ trên xuống dưới theo danh sách chấm thi): - Tốp đầu bảng (số lượng lấy đỗ bao nhiêu do nhà vua quy định và khác nhau ở từng khoa thi, thường là khoảng 50 người cho một trường thi) có danh hiệu là Cống sĩ hoặc Hương cống, đến đời Minh Mệnh triều Nguyễn thì đổi thành Cử nhân, và những người này được phép thi Hội. Người đỗ đầu trong kỳ thi Hương (đứng đầu bảng) được tuyên dương danh hiệu Giải nguyên (Cử nhân đệ nhất cấp). - Tốp sau đó gọi là Sinh đồ, đến đời Minh Mệnh triều Nguyễn thì đổi thành Tú tài, những người đỗ tốp này không được đi thi Hội. Họ có thể dự các khoa thi Hương sau đó để cải thiện vị trí, nếu được lên tốp đầu bảng và đạt danh hiệu Cử nhân họ sẽ được thi Hội. Được thị Hội thì đường công danh mới thực sự mở đối với kẻ sĩ khoa trường. Con đường khoa cử của một người không hề đơn giản, có thể nói đó là sự nghiệp của cả một đời người. Khi lên 6 hoặc 7 tuổi thì được đi học, chương trình học của lứa tuổi này gồm: Sơ học vấn văn, Tam tự kinh, Tứ tự kinh và Ngũ ngôn để người học làm quen với chữ Hán; tập làm câu đối 2 chữ, 4 chữ; biết phân biệt vần trắc, vần bằng. Khoảng 10 tuổi thì đước huấn đạo kỹ lưỡng hơn - Tiên học lễ, hậu học văn - chương trình học gồm: Tứ thư, Ngũ kinh, Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Trung Quốc; tập làm câu đối 5 chữ, 7 chữ; tập làm thơ phú... Và họ phải tự chui rèn chữ nghĩa, văn phong của mình, tự nâng cao kiến thức của mình qua sách vở trong suốt cuộc đời. Người đi thi Hương không giới hạn về độ tuổi, nhưng phải dự kỳ thi Tiền ích được tổ chức trước đó khoảng một năm nhằm kiểm tra trình độ. Trước khoa thi Hương 4 tháng lại sát hạch một lần nữa, lần này quy mô khá giống với thi Hương cho sĩ tử làm quen và "cấp giấy phép" dự thi. Học tài thi phận, trong hàng nghìn sĩ tử lều chõng đi thi mà lấy đỗ có vài mươi người, nên kẻ khóc người cười sau mỗi khoa thi là chuyện thường. Khi đến dự thi Hương sĩ tử phải mang theo lều chõng, phải đến trường thi từ tờ mờ sáng để nghe xướng danh (gọi tên), đến tên mình thì tiến lên nhận quyển (giấy bút) rồi vào trường dựng lều. Khi nhận được đề thi thì sĩ tử bắt đầu làm bài, thời gian làm bài là cả ngày, làm bài xong trước có thể nộp quyển và dỡ lều về, chờ kỳ thi tiếp theo. Dĩ nhiên là muốn dự kỳ thi tiếp theo sĩ tử phải đậu trong kỳ thi trước đó. Và cảnh tượng chen nhau xem kết quả thi cũng là một cảnh tượng náo nhiệt, đáng nhớ trong đời sĩ tử. Chúng ta có thể tìm hiểu cảnh tượng thi cử, nhất là khoa thi Hương trong tác phẩm Lều chõng của nhà văn Ngô Tất Tố. Phép thi Hương được quy định chặt chẽ từ đời vua Lê Thánh Tông gồm bốn kỳ. Người đỗ kỳ thi thứ nhất mới được dự kỳ thi thứ hai, người đỗ kỳ thi thứ hai được gọi là Tú kép và được dự kỳ thi thứ ba, Người đỗ kỳ thi thứ ba được gọi là Tú Mền và được dự kỳ thi thứ tư. Kỳ thi thứ tư là kỳ thi cuối cùng trong thi Hương nhằm phân định hạng: danh hiệu Cử nhân cho tốp đầu bảng, Tú tài cho tốp kế đó, còn lài là Tú mền cả vì đã đỗ kỳ thi thứ ba trước đó. Mỗi một kỳ thi cách nhau 7 - 10 ngày, nên mỗi khoa thi Hương kéo dài khoảng 45 ngày. Nội dung ở mỗi kỳ thi được quy định chặt chẽ như sau: Kỳ 1: Bài thi gồm 5 đề về Tứ thư và Ngũ kinh. Kỳ 2: Bài thi gồm chiếu, chế, biểu được viết theo lối cổ thể. Kỳ 3: Làm một bài thơ Đường luật, một bài phú theo lối cổ thể trên 300 chữ. Kỳ 4: Làm một bài văn, gọi là văn sách, đề tài là các ý tưởng được rút ra từ kinh sách, là ý thức giúp đời, giúp nước... Một bài văn sách trong khoa thi Hương phải viết trên 1000 chữ. Khoa thi Hương được tổ chức nghiêm túc không chỉ quy định điều kiện dự thi, nội dung thi, mà công tác tổ chức, chấm thi cũng cực kỳ nghiêm túc. Triều đình cắt cử các quan cho một trường thi bao gồm: 1 chánh chủ khảo, 1 phó chánh chủ khảo, 1 tri cống tử, 2 viên chánh phó đề điệu, 2 viên giám đằng lục và quan giám thí để giữ trật tự trường thi. Các quan chấm thi (nội liêm và ngoại liêm) phải ở cách ly với thế giới bên ngoài để tránh chuyện thiên vị hay hối lộ. Hội đồng chấm thi không chấm trực tiếp lên bài thi của thí sinh mà được thực hiện như sau: hai quan giám đằng lục sao chép bài của thí sinh rõ ràng, sau đó một quan đọ bản sao, một quan rà với bản chính, xong xuôi mới đưa cho quan đề điệu đem đi chấm. Quan đề điệu đưa bài cho nội liêm chấm trước, nội liêm có nhiệm vụ phát hiện mọi hành vi sai sót của bài thi, sau đó đưa qua cho ngoại liêm chấm. Ngoại liêm căn cứ vào nội dung bài làm của thí sinh cũng như những khuyên đỏ chỉ ra chỗ sai sót từ bên nội liêm mà cho điểm. Điểm cho gồm bốn cấp là: ưu, bình, thứ và liệt. Sau khoa thi Hương các tân khoa đỗ Cử nhân có thể về quê hoặc được giới thiệu vào học trường Quốc tử giám chờ dự thi Hội, cũng có người ra làm quan rồi mới đi thi Hội. Thi Hội là khoa thi cấp quốc gia dành cho những người đã đỗ Cử nhân hoặc tốt nghiệp Quốc tử giám, có khoa cho cả tú tài thi nhưng phải trải qua kỳ sát hạch tại trường tỉnh hay Quốc tử giám. Thi Hội cũng có bốn kỳ như thi Hương nhưng mức độ cao hơn, nên nó còn được gọi là Đại khoa. Các quan chủ khảo chấm bài xong dâng lên vua duyệt rồi mới công nhận kết quả. Người đỗ trong khoa thi Hội được gọi là Tiến sỹ, dân gian quen gọi là quan Nghè, còn được gọi chung là đỗ Đại khoa hay Đại tân khoa. Các Tiến sỹ được vua ban cân đai áo mão để vinh quy bái tổ và tham dự khoa thi Đình, thường được tổ chức sau đó khoảng tám tháng để xếp hạng bậc các Đại tân khoa. Tiến sỹ thực ra là danh gọi có từ khoa thi năm Nhâm Tuất 1442 dưới triều Lê Thánh Tông và ổn định cho tới khoa thi cuối cùng, trước đó gọi là Thái học sinh ( Bắt đầu từ khoa thi năm Nhâm Thìn (1232) đời vua Trần Thái Tông). Đời nhà Lý chỉ gọi là thi Tam trường. Thi Đình được tổ chức long trọng và vô cùng phiền phức. Đến ngày thi Bộ Lễ phải đặt chỗ Ngự toạ (chỗ vua ngồi) trước điện Cần Chánh. Lễ khai mạc được tổ chức cực kỳ long trọng, các quan văn võ đứng chầu dàn hai bên, cờ xí trang hoàng lộng lẫy, kèn trống uy nghi, thể thức bao gồm: Hồi trống thứ nhất, các quan sửa sang áo mão cho chỉnh tề và đứng dọc hai bên điện, các sỹ tử đứng sau quan văn; hồi trống thứ hai, vua ngự giá đến điện Cần Chánh, các sỹ tử thi lễ vái vua năm vái. Sau đó, từng thí sinh được gọi tên ra trước Ngự toạ để nhận giấy bút rồi vào phòng thi làm bài. Nhà vua chấm duyệt từng bài thi của thí sinh. Đến ngày công bố kết quả các Đại tân khoa được thiết đãi tại điện Thái Hoà. Các quan văn võ tề tựu nghiêm trang hai bên điện. Các vị Đại tân khoa được hướng dẫn quỳ bên hữu để nhận áo mão và được dự yến tại sảnh đường Bộ Lễ. Bộ Lễ phát cho mỗi Đại tân khoa một cái trâm cài đầu và cho thăm vườn Thượng uyển, cho cưỡi ngựa trẩy kinh kỳ rồi mới vinh quy bái tổ. Dân làng phải đón rước tân Tiến sỹ linh đình, người hàng Tổng phải làm dinh cho quan Nghè ở, cho khắc tên trên bia Tiến sỹ để lưu danh muôn thuở. Qua đây cho thấy các triều đại phong kiến trọng dụng nhân tài tới mức nào, thế mới biết: Thức giả là nguyên khí quốc gia. Thi Đình thời Lê: Thi Đình thường được tổ chức trong Hoàng thành Thăng Long, dưới sân Long trì, trước điện Kính Thiên. Thời gian thi trong một ngày. Số người dự kỳ thi Hội có đến hàng nghìn người, có năm đến 5000- 6000 người nhưng đến kỳ thi Đình chỉ còn khoảng vài chục người. Điều đặc biệt của kỳ thi này là những người đã đỗ tiến sĩ (trong thi Hội) mới được tham dự. Vì thế, trong kỳ thi này, các thí sinh không bị đánh trượt mà chỉ xếp thứ tự cao thấp. Trong kỳ thi Đình, thí sinh phải làm Bài Văn sách theo thể văn Bát cổ (tám vế) đối nhau. Đề bài của bài văn sách thường liên quan đến những vấn đề bức thiết nhất của đất nước mà triều đình quan tâm như: quốc kế an dân, quốc phú binh cường… Trong khi thi Đình, các sĩ tử thường dùng thể văn chữ Hán nhưng cũng có những thí sinh viết bài thi bằng chữ Nôm. Quá trình coi thi phải được tiến hành nghiêm túc, cẩn mật, chặt chẽ. Nghi thức thi Đình được nhà sử học Phan Huy Chú miêu tả kỹ trong Lịch triều hiến chương loại chí như sau: Sáng sớm ngày thi, Thượng thiết ty (giữ việc bầy nghi vệ) đặt ngai vua ở chính giữa điện Kính Thiên, bên phải ngai chúa nhưng thấp hơn. Các quan bài trí không gian thi, chuẩn bị quyển thi, bút, nghiên, mực; lều thi đặt ở hai bên sân rồng. Các quan Đề điệu (Chánh chủ khảo), Tri cống cử (Phó Chánh chủ khảo), Giám thí (người trông thi), Tuần xước (quan võ trông thi) có mặt tại khu vực sân rồng. Nghi vệ, cờ xí trang hoàng lộng lẫy. Hồi trống thứ nhất, các đại thần văn võ từ cửa Đoan Môn tiến vào chầu. Hồi trống thứ hai, rước ngự giá vua và chúa đến điện Kính Thiên. Vua đội mũ xung thiên, mặc áo hoàng bào, mang đai ngọc cùng chúa ngự tọa. Quan tự ban (tổ chức) dẫn quan văn chầu bên tả, quan võ chầu bên hữu, các thí sinh đứng sau hàng quan văn. Sau khi hành lễ, Lễ quan (quan Bộ Lễ) tâu danh sách thí sinh dự thi. Các quan phụ trách thi giao quyển, bút, nghiên, mực cho thí sinh. Quan Tuần xước dẫn các thí sinh ra ngồi ở lều thi. Quan Tuyên chế đọc chế sách (đề thi), Xong nghi lễ, vua về cung, chúa về nội phủ. Dưới thời Lê, thi Đình thường tổ chức 3 năm 1 lần. Từ năm 1428 đến năm 1789, diễn ra khoảng hơn 100 kỳ thi. Người đỗ kỳ thi Đình được phân thành 3 hạng học vị: Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ còn gọi là “Tam khôi” (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa); Đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp) và Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Người đỗ được vua cho làm lễ xướng danh; lễ ban mũ, áo, đai tiến sĩ; lễ ban yến; lễ lạy tạ vinh quy và khắc bia tiến sĩ trong Văn Miếu để lưu truyền muôn đời. Văn bản Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ thực lục, Tập I, Quyển 11, 64a,b. NXb Khoa học xã hội. 1998. (Năm Canh Tuất, Hồng Đức thứ 21 (1490), Tháng 5, “ngày 19, ba cho mũ, đai, y phục. Ngày 20 ban yến tại điện Kính Thiên”) Quy trình chấm thi Đình cũng rất nghiêm ngặt và khác với thi Hội, do vua quyết định kết quả thi. Người đỗ đầu kỳ thi Đình gọi là Đình nguyên, có thể là Trạng nguyên, song nhiều kỳ thi không lấy được Trạng nguyên, nên Đình nguyên là Bảng nhãn, Thám hoa, có khi là Hoàng giáp, thậm chí là Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Trong lịch sử, những vị “tam khôi” có nhiều đóng góp cho đất nước tiêu biểu như: Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Nguyễn Giản Thanh; Bảng nhãn Lê Quý Đôn; Thám hoa Nguyễn Quý Đức… Thi Đình thực sự là kỳ thi lớn nhất và cũng đồng thời là vinh quang tột đỉnh của của kẻ sĩ trên con đường học vấn, là kết quả của hàng chục năm đèn sách khổ luyện. Trong kỳ thi Đình, thí sinh thường được thể hiện hết những suy nghĩ, trăn trở của của kẻ sĩ trước vận mệnh, thời cuộc của quốc gia, đại sự. Những ý kiến nêu ra trong bài thi đã thực sự đến được người có trách nhiệm cao nhất của quốc gia. Vì thế, cuộc thi Đình trước điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long thời Lê đã trở thành một dịp quan trọng để những tài năng trẻ – nguyên khí quốc gia “tư vấn”, góp ý cho nhà vua những chính sách phù hợp trong công cuộc trị nước, an dân và phát triển quốc gia Đại Việt. Tiến sỹ được phân làm năm cấp (phân cấp trong lần thi Đình), gồm: 1. Trạng nguyên. 2. Bảng nhãn. 3. Thám hoa (thuộc hàng đệ nhất giáp, mệnh danh là Tam khôi). 4. Hoàng giáp hay Tiến sỹ xuất thân (thuộc hàng đệ nhị giáp). 5. Đồng Tiến sỹ xuất thân (thuộc hàng đệ tam giáp). Ngoài ra còn có Phó bảng (không thuộc giáp nào). Phó bảng là danh hiệu được đặt ra từ nhà Nguyễn do nhà Nguyễn không lấy đỗ Trạng nguyên. Phó bảng được xác định ngay từ khoa thi Hội, đỗ nhưng không được công nhận Tiến sỹ, không được thi Đình và cũng không vinh quy bái tổ bằng cờ lộng cân đại. Trong khoa cử, còn có khoa thi cao hơn thi Đình gọi là khoa Đông các. Khoa này cũng lấy Tam khôi và dành cho những người đỗ Tiến sỹ và những người đang làm quan. Người xưa rất coi trọng người đỗ Đại khoa, nhưng nếu nêu đỗ trong khoa thi Hương cũng đã thật là điều đáng quý. Cử nhân đã được bổ đi làm quan ở tỉnh, huyện; Tú tài cũng được tuyển dụng để làm giáo thụ (cấp phủ) hay huấn đạo (cấp huyên). Ngoài ra, họ còn có thể mở trường dạy học (làm ông đồ) để đào tạo nhân tài cho đất nước. Thế mới thấy đường khoa cử gian nan mà vinh hiển quá. Người theo cử nghiệp tất nhiên là phong lưu nhàn hạ, chưa vinh danh thì là Bạch diện thư sinh, hiển đạt rồi thì thuộc hàng Phụ mẫu chi dân, ăn trên ngồi trước, cả họ thơm lây. Khoa cử ngày nay có lẽ không gian nan, khổ ải như ngày xưa, cái vinh hiển vì lẽ đó mà cũng không lớn bằng. Song, không vì thế mà bảo rằng không quan trọng bằng, khoa cử ngày nay là để “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cho đất nước. Tính chất khoa cử ngày xưa là nếu “trúng tuyển” thì được công nhận ngay danh hiệu (nay là học vị) và bổ đi làm quan. Còn thi cử ngày nay thì trúng tuyển rồi mới được đào tạo, đào tạo xong mới công nhận danh hiệu và ra làm việc trong các lĩnh vực đã được đào tạo. Tóm lại, khoa cử là việc tuyển chọn nhân tài cho đất nước, nó quan trọng và sẽ hiện hữu mãi trong xã hội chúng ta. Hãy rèn luyện bản thân mình, hãy bằng thực học của mình dấn thân vào các cuộc thi, có thể sau mỗi cuộc thi ta sẽ lớn thêm lên về tri thức trong xã hội này.