Đình làng Bát Tràng (bên trong có đền thờ Mẫu Tổ nghề gốm) Xóm 1, thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Năm 2005 chùa và đình đã được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Đình Bát Tràng được làm lại vào năm 1720 đời vua Lê Dụ Tông, xây theo kiểu chữ “Nhị”, mặt quay ra sông Hồng. Đình gồm hai nếp nhà song song, phía trong là hậu cung 3 gian, thờ 6 vị thánh thần được được suy tôn là Lục vị Thành Hoàng. Phía ngoài là tòa đại bái 5 gian 2 chái, cửa bức bàn, cột đình làm bằng những cây gỗ lim lớn, các gian bên được lát bục gỗ theo bậc tam cấp làm sập ngồi. Hiện nay trong đình còn lưu giữ hơn 50 đạo sắc phong cho thành hoàng với các niên hiệu Cảnh Hưng, Quang Trung và Cảnh Thịnh. Mái đình làng Bát Tràng. Chính giữa tòa đại bái là hương án thờ Công đồng, trên treo hai bức đại tự sơn son thếp vàng. Bức đầu ghi 5 chữ 天地合其德 (Thiên địa hợp kì đức: Đức lớn thuận trời đất). Bức thứ hai đề 4 chữ 好義急公 (Hiếu nghĩa cấp công), chính là tấm biển vua ban vì dân làng Bát Tràng đã cạy gạch ở sân đình dâng nộp cho nhà Nguyễn xây thành Hà Nội. Hai bên lại có đôi câu đối 埔移手藝開亭宇, 蘭熱心香拜聖神 (Bồ di thủ nghệ khai đình vũ - Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần: Đem nghề từ làng Bồ ra khởi dựng đình miếu, Lòng thành như hương lan cúng tạ thánh thần). Hai chái đình thờ Vách Tả, Vách Hữu tức những người làng không có con cái. Du khách cùng múa với dân làng Bát Tràng Trên cửa chính bước vào tòa đại bái treo bức hoành phi với bốn chữ 白土名山 ("Bạch thổ danh sơn": Lừng danh núi sét trắng), gợi nhớ khung cảnh ban đầu của vùng đất này khi dòng họ Nguyễn Ninh Tràng mới theo vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La để sản xuất loại gạch Vĩnh Ninh Trường phục vụ việc xây thành Thăng Long. Trên cột đồng trụ gắn đôi câu đối sứ 五型秀氣煄英傑,萬丈文光表吉祥 ("Ngũ hành tú khí chung anh kiệt - Vạn trượng văn quang biểu cát tường": Nơi hội tụ khí thiêng hun đúc nên các bậc anh hùng hào kiệt - Ánh sáng văn hóa tỏa xa vạn dặm biểu thị sự cát tường). Cửa tả, hữu lần lượt gắn hai hàng chữ 土成金 ("Thổ thành kim": Đất biến thành vàng) và 泥做寶 ("Nê tác bảo": Bùn làm ra báu). Văn Từ hay Văn Chỉ Bát Tràng ngay phía sau đình cũng được dựng theo hình chữ “Nhị”. Hậu cung là tòa nhà 3 gian, nơi có ban thờ Khổng Tử và 72 vị thánh hiền. Phía trước có tòa đại bái 5 gian. Cổng Văn Từ xây theo kiểu Khuê Văn Các của Hà Nội. Văn Từ cũng là nơi nhân dân sở tại tôn vinh 1 trạng nguyên, 3 quận công, 9 tiến sỹ và các vị khoa bảng khác của làng này. Những năm 1990 Văn Từ từng được dùng làm lớp học. Hiện nay, Văn Từ còn là nơi khuyến học và trụ sở của Hội người Cao Tuổi thôn Bát Tràng. Cách chợ gốm hơn trăm bước là ngôi chùa Am, tên chữ Kim Trúc Tự. Chùa tọa lạc ở mé tây-nam, mặt hướng ra sông Hồng về cõi Thiên Trúc; kiến trúc tuy khá nhỏ và đơn giản nhưng có đầy đủ các hạng mục. Giữa sân gạch mới xây một giếng đá, lại có dựng tượng Phật Di Lặc và Quán Thế Âm Bồ tát bằng đá trắng muốt. Lễ hội truyền thống của thôn cũng nổi tiếng không kém và được diễn ra hàng năm trong 3 ngày liền từ 14 đến 16 tháng Hai âm lịch[1] với đông đảo bà con dân làng và khách thập phương tham dự. Nghi môn đình làng Bát Tràng. Lễ hội mở màn vào 8 giờ sáng sau đó có dâng lễ Tam Sinh; đến 9 giờ thì rước kiệu Chầu Bà Đệ Tứ Khâm Sai và làm lễ Cấp Thủy. Từ 10h30 có lễ Nhập Thủy và lễ Tế Thần. Họ Nguyễn Ninh Tràng được rước bát hương có lọng che vàng đi ở giữa. Các họ khác rước bát hương có lọng che xanh đi né sang hai bên. Buổi chiều, thôn Bát Tràng tiếp tục đón khách và giao hiếu với các làng bên. Mọi người vui chơi và hát Quan Họ trên hồ Long Nhỡn. Buổi tối lại có cả một đoàn của Nhà hát Chèo Quân đội đến góp vui tại sân đình bằng biểu diễn các tiết mục văn nghệ chào mừng. Những lò gốm Bát Tràng nay dùng gaz sạch hơn. Ngày lễ hội làng gốm Bát Tràng được chính thức khai mạc theo thông lệ. Từ sáng sớm cả bến xe rộng và khắp các nẻo lối vào làng đã tấp nập quan khách từ xa lũ lượt kéo tới. Nắng lên trời nóng dần nhưng không gì ngăn được bước chân người trảy hội. Cờ quạt treo cắm rực rỡ hai bên đường phố và dọc theo đoạn kênh từ cầu Bắc-Hưng-Hải đổ ra sông Hồng, kéo dài hàng cây số đến tận cổng đình, trông thật vui mắt. Tại các rạp rộng được dựng bằng vải dù ở ngay trước và sau nghi môn, không khí lễ hội càng náo nhiệt và màu sắc càng phong phú hơn. Trên sân khấu nhìn xuống sông Hồng các thanh niên đang múa hát vui vẻ. Các bà các cô trong Ban lễ tân vận áo dài thanh lịch tươi tắn tiếp đón khách. Các cụ các ông thuộc Ban khánh tiết tề chỉnh trong áo the, khăn xếp và mũ bình thiên trang nghiêm nhận cung tiến lễ vật và dẫn tế. Lễ vật dâng Tổ trong đình Bát Tràng. Trong ngôi đình làng Bát Tràng có điện thờ Mẫu là vị Tổ nghề gốm sứ. Đông đảo quan khách đến từ trong và ngoài nước đã được chứng kiến những tiết mục nghi lễ long trọng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của 19 dòng họ và các đoàn thể dân làng đối với thần hoàng. Những bó hoa tươi đẹp, những mâm cao cỗ đầy lần lượt được dâng lên ban thờ Tổ trong tòa đại bái và bậc thềm cung cấm của ngôi đình cổ kính đang chìm vào các làn khói mang hương thơm chầm chậm lan tỏa. Hát múa chào mừng hội đình Bát Tràng. Đến 11 giờ trưa, các nghi thức kết thúc, quan khách và dân chúng bắt đầu được thụ lộc, hát Quan Họ mời trầu, mời rượu. Những gian đình ở hai bên tòa đại bái bày la liệt các mâm cỗ trên những chiếc bàn phủ lụa vàng. Ước tính khoảng gần trăm vị đại biểu cho các gia đình và đoàn thể được lên sập ngồi “chiếu trên” như vậy. “Chiếu dưới” trong sân đình thì đông hơn, đếm thấy có không dưới hai chục chiếc bàn phủ vải trắng được xếp ngay ngắn dọc theo hai bên lối vào chính điện trải thảm đỏ. Những chiếc kiệu rồng sơn son thếp vàng đặt uy nghi ở trước cửa bên của tòa đại bái. Cạnh đó, các cháu nhỏ nghịch ngợm cứ thấy vắng bóng thủ nhang lại nhào vào đánh trống ké, mặc kệ ánh mắt dữ tợn từ tượng Hộ pháp. Bên ngoài nghi môn, dọc theo lối vào đình và cả trên bến sông còn có vài rạp nữa dành cho những “chiếu” thấp nhất, tuy nhiên thực khách lại đông gấp đôi gấp ba và trò chuyện còn huyên náo hơn cả các chiếu trên. Hội đình làng Bát Tràng. Đêm rằm tháng Hai dành cho giao lưu trai gái thỏa sức đua tài, CLB Văn nghệ “cây nhà lá vườn” lĩnh vai biểu diễn chính. Ngày hôm sau (16 tháng Hai Ất Mùi) thì giã đám. Ban tổ chức, Ban khánh tiết và các đại biểu làm lễ tạ. Buổi tối có lễ Phóng đăng và Hoa bông. Chủ khách chia tay nhau và hẹn sang năm “đến hẹn lại lên uống nước nhớ nguồn”. Nhưng trước đó phần lớn dân từ xa cũng không thể không ghé thăm chợ gốm Bát Tràng với những dãy cửa hàng có máy lạnh và ngăn nắp bày ăm ắp đồ thủ công mỹ nghệ được chế tác tinh xảo tại chính nơi đây. Những ai hiếu kỳ ắt còn rẽ vào những xưởng gốm để tìm hiểu kỹ hơn các công đoạn của làng nghề, hoặc ngồi xuống trước bàn quay để tự tay vuốt, nặn và vẽ những gì mình yêu thích. Bến trước đình Bát Tràng. Năm 2005 chùa và đình làng Bát Tràng đã được xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia./. - Sưu Tầm - ( Theo Vanhien.vn )